(Baonghean) - Có một điều gì đó, không rõ, vẫn hiện diện nơi đây, dẫu đã trải qua bao năm thăng trầm biến thiên dài gần bằng cả đời người. Dường như là một thứ hương vị xưa cũ, ngọt mềm. Dường như là một nét văn hóa, thứ sẽ kiên định tồn tại cùng với thời gian. Người ta nói văn minh có thể chóng vánh nhưng văn hóa thì lâu bền. Thứ đã cắm sâu vào cội rễ của đời sống ấy đâu có thể ngày một ngày hai phai nhạt dễ dàng. Nó, ngược lại, sẽ trường tồn cùng nhân loại, bởi nó in dấu sâu vào trong tâm thức, tư tưởng, thói quen, tâm hồn họ. 

l Câu lạc bộ Dân ca Vinh Tân (TP. Vinh) trình diễn ví phường cấy. Ảnh: Trường Sinh
l Câu lạc bộ Dân ca Vinh Tân (TP. Vinh) trình diễn ví phường cấy. Ảnh: Trường Sinh

Tôi có cảm giác ấy khi trở về, mảnh đất mà mình đã sinh ra, lớn lên. Trước đây, nó từng là một vùng quê xơ xác nghèo, nhưng ngay cả trong nghèo khó, vẫn thơ mộng và đáng yêu vô vàn. Người dân quê tôi ngày ấy thích ca hát lắm. Tôi nhớ như in những điệu hò trên sông nước, trên nương dâu mà các bà, các o hát trong lúc làm việc. Những câu ví mượt mà, êm ái nhưng đượm buồn. Có gì đó cứ lắng vào hồn người, cứ day dứt, cứ thôi thúc. Có lần, được cùng cha đi xa một chuyến dài ngày, tôi cứ khóc mãi vì nhớ tiếng hát của chị tôi. “Ai về nhắn nhủ trăng già/ Nhủ trăng khoan lặn, nhủ gà khoan kêu”. Rồi: “Một đêm là năm trống canh/ Ngủ đi thì chớ, trở mình lại thương/ Ruột tằm bối rối tơ vương/ Như ai để nhớ để thương trong lòng”... Những giai điệu ấy cứ trở đi trở lại trong trí óc non nớt của tôi. Cả hình ảnh chị tôi nữa, chị không đẹp nhưng có duyên lạ lùng. Tiếng hát chị trong mềm, thầm thĩ như tiếng mưa rơi lúc đêm khuya. Chị hát mọi lúc làm việc, trên đồng, trên nương dâu hay đang giặt giũ ở bờ ao... Tiếng hát của chị trở thành một phần không thể thiếu được trong ký ức ngọt ngào của tuổi thơ tôi. 

Sau cái chuyến đi với cha ấy, mẹ biết chuyện tôi khóc, nói rằng từ giờ cấm không cho đi đâu nữa. Nhưng dường như cha hiểu, cha bảo rằng: “Kệ nó! Có những lần roi vọt đau mấy nó cũng có khóc đâu. Lần này, nó khóc chứng tỏ trong lòng nó có nhớ thương...”.

Tôi, cậu bé mới tập tọng biết vài chữ cái đầu lòng, ngày ấy đã biết nhớ thương ví, giặm.

Và trong nhiều năm sau này của đời mình, tôi vẫn luôn đau đáu nhớ về mảnh đất ấy, những làn điệu ấy. Cái mảnh đất đến lạ, bất cứ người dân quê mùa nào cũng hát, cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Họ không lao vào công việc như một kẻ tận tụy kiếm sống, sinh nhai, mà vui vầy với lao động, chơi với con trâu, cái cày, với liềm, với lưới... Họ hát cho mình, hát cho nhau, trong sân khấu thênh thang của cuộc đời họ, nơi mà họ vừa là diễn viên, vừa là khán giả. Những sớm nương dâu ướt sương, những chiều đồng ruộng thẫm ánh hoàng hôn, những đêm đẫm trăng phường vải... Nhiều lần tôi bật khóc vì nhớ da diết cái hương vị xưa cũ ấy. Tôi ước được tan ra như ánh trăng, như giọt sương để cứ thế chìm vào trong một đêm xưa, nơi sự nhọc mệt, lo âu, cáu giận, toan tính đều bị khước từ để con người vút lên cùng tiếng hát. Tôi ước được tan ra như sóng trên sông Lam, để bồng bềnh dìu dặt cùng những điệu đò đưa.

Chị tôi, người chị hát ví hay như tiếng mưa rơi, đã có một cuộc đời không may mắn. Nhưng tôi tin quãng ngày ấy là quãng ngày tươi tắn nhất của chị, và ví giặm là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị. Tôi thường hình dung ra chị trong một chiều xưa, đứng hái lá dâu trên nương, cất lên tiếng hát. Mái tóc chị cuộn vào trong gió, tiếng hát lan mãi trong không trung, bay vào từng ngọn cỏ lá cây. Chị chưa từng đẹp đến thế, chưa từng đắm say hạnh phúc đến thế và sau này cũng vậy, suốt cả cuộc đời dài. Để hôm nay trở lại mảnh đất này, tôi vẫn như đang thấy tất cả. Thấy sân khấu đang vén màn rộng mở, sông Lam vỗ về điệu hát ngàn đời, những ruộng lúa nương dâu thân thuộc đón mời. Thấy chị trong chiếc áo nâu sồng đang hái lá dâu và tiếng ví ngân lên, mềm như tiếng mưa rơi trong một đêm khuya khoắt...

T.V

TIN LIÊN QUAN