Anh Xuân Hương tính bộc trực, sôi nổi. Anh Quân Hiệu thì hiền từ chín chắn. Cả hai anh đều có cái chung là rất nhiệt tình công tác, cần đi cơ sở thì sẵn sàng bất cứ lúc nào.
Quan hệ phối hợp với nhau cũng rất tốt, phát huy được hiệu quả của báo chí. Nói theo ngôn ngữ "bóng đá" thì đây là "cặp bài trùng" trên mặt trận văn hóa tư tưởng, bảo vệ xây dựng rừng, xây dựng ngành Nông Lâm nghiệp.
Các anh đã từng bám đội, lội rừng, không ngừng phấn đấu cùng anh em chúng tôi chẳng quản mệt nhọc để nắm bắt những thông tin cần thiết. Những bài viết của anh Xuân Hương đăng trên báo Đảng đều được anh Quân Hiệu đưa vào chương trình của Đài và ngược lại, phóng sự của anh Quân Hiệu cũng được anh Xuân Hương biên tập đăng báo.
Những bài viết của các anh đều chứa đựng tình cảm sâu đậm, biểu dương người tốt việc tốt, các hợp tác xã tham gia trồng cây, bảo vệ rừng, người công nhân trồng rừng, người thợ rừng khai thác lâm sản, các chiến sỹ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng ở các lâm trường đang ngày đêm canh giữ màu xanh cho đất nước.
Tôi còn nhớ một lần, anh Xuân Hương còn mời được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng chúng tôi đi thăm cơ sở. Anh Tạo đã có bài thơ "Tặng những người gác kho vàng xanh" khá hay, đăng Báo Nghệ - Tĩnh và ngâm trên Đài phát thanh dịp Tết năm đó.
Chúng tôi cũng có một kỷ niệm vui, vừa đi đường vừa gợi ý, mỗi người một câu, có bài thơ chung "Ta đi vãn cảnh Truông Bồn" khi chúng tôi tới thăm điểm nghiên cứu thực nghiệm cây rừng, một dự án quốc tế của lâm trường Đại Huệ tại xã Nam Hưng huyện Nam Đàn... Các anh cũng là những cây bút tích cực phê phán, những thói hư tật xấu, những việc làm tiêu cực gây lãng phí, tham ô, thất thoát tài nguyên, tài sản, tiền bạc của nhà nước và vạch ra phương hướng sửa chữa, giải quyết trên cơ sở có chống, có xây.
Tôi còn nhớ, thời đó có một lâm trường như thế, lãnh đạo sở phải ra tay xử lý, giám đốc bị cách chức, anh Xuân Hương có bài "Mất một giám đốc được cả phong trào", thì anh Quân Hiệu lên khuôn "Nét mới của lâm trường CK sau ngày được kiện toàn tổ chức củng cố phong trào".
Nét nổi bật của hai anh là làm việc tận tụy nhưng vô tư, không mảy may vụ lợi. Có những lần thấy các anh vất vả, một số đơn vị có nhã ý "bồi dưỡng", các anh luôn dứt khoát từ chối. Anh Xuân Hương khi vui còn nhấm nháp một vài chén "quốc lủi" với lạc rang, còn anh Quân Hiệu thì không.
Các anh còn có đức tính quan trọng của một nhà báo lớn, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng tôi viết bài cho báo và đài. Các anh tâm sự, chính cộng tác viên mới có điều kiện viết hay, viết sát thực tế, kịp thời từ các thông tin khi đi chỉ đạo cơ sở.
Tết nào, các anh cũng "ưu tiên" cho chúng tôi viết bài đăng báo Tết và phát biểu trên đài phát thanh. Nhớ mãi, hình ảnh anh Quân Hiệu đi đi lại lại trong phòng bá âm, động viên các nhân viên kỹ thuật tạo điều kiện cho bài phát biểu của chúng tôi được rõ ràng, hoàn chỉnh. Tôi trở thành cộng tác viên của các báo cũng từ đó.
Rất tiếc, anh Xuân Hương ra đi sớm quá, anh Quân Hiệu sức khỏe cũng không bình thường, đã âm thầm chịu đựng chứng đau tim và thương tật chiến tranh để lại, cố hết sức để hoàn thành nhiệm vụ và cũng đã vĩnh biệt chúng ta khi tuổi đời còn trẻ!.