(Baonghean) - “Có được thành công từ mô hình nuôi gà chuồng lạnh như ngày hôm nay, thông tin đăng tải trên báo Nghệ An là một yếu tố quan trọng. Chính nhờ đọc báo mà tôi đã tìm cho mình một hướng đi”, anh Trần Xuân Sơn, xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) tâm sự.

Đến thăm quan trang trại nuôi gà của gia đình anh Trần Xuân Sơn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi trang trại của anh Sơn không khác gì một nhà máy. Trên khuôn viên với diện tích gần 2.000m2 trang trại được xây kín. Tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định. Anh Sơn giới thiệu: Đây là mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng hiện đại được chuyển giao bởi Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Là kết quả của cả một quá trình mày mò và không ít thất bại nhiều lúc tưởng chừng như sạt nghiệp.

Anh Trần Xuân Sơn đang cho gà ăn.
Anh Trần Xuân Sơn đang cho gà ăn.

Anh Sơn kể: Đó là quãng thời gian năm 2000 khi mới bắt tay vào chăn nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên gà hay bị dịch bệnh, vì vậy thu không đủ bù chi, nhất là thời điểm dịch cúm gia cầm vào năm 2004. Thời điểm này, ngoài 600 con gà đẻ trứng mỗi ngày, anh còn 700 con gà thịt, tuy nhiên, vì dịch bệnh nên thất thoát dần, số còn lại thì không thể tiêu thụ, trong khi để nuôi ngày nào lại tốn thức ăn ngày đó. Tính ra mỗi ngày phải bù lỗ 300.000 đồng tiền thức ăn, vì vậy cùng với mua cám, anh buộc phải luộc cả trứng làm thức ăn cho gà...  

Khó khăn là vậy, song không nản chí, anh đã tìm sách báo, tài liệu về chăn nuôi để nghiên cứu. Tình cờ trên báo Nghệ An có giới thiệu mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng hiện đại, trong đó có giới thiệu quy trình chăn nuôi do Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đảm nhận. Từ thông tin đó, anh đã mày mò lên mạng tìm hiểu, đồng thời bỏ tiền đi tham quan các mô hình trang trại ở nhiều nơi để rồi đi đến quyết định ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. 

Để gây dựng trang trại, cùng với số tiền góp nhặt của gia đình, anh vay mượn người thân, đồng thời mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng, để có được tổng số tiền 750 triệu đồng. Ngoài số tiền mua con giống hết 405 triệu đồng, còn lại anh dồn hết vào mua vật tư làm chuồng. Cùng với việc ổn định chuồng trại, phía Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã cử người về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cho ăn, phòng chữa bệnh đúng cách nên đàn gà lớn nhanh, cho trứng đều đặn. Anh Sơn cho biết, việc nuôi gà bằng chuồng hở trước đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên kết quả không cao, thường hay dịch bệnh. Nay áp dụng mô hình này, vừa tiết kiệm được chi phí, công sức cho người nuôi, gà lại luôn khỏe mạnh, đẻ đều và tỷ lệ đẻ cao. 

Hiện tại với 3.300 con gà siêu trứng, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu được 2.700 quả, đủ để giao cho các đầu mối tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Theo tính toán của anh Sơn, với mức giá bình quân 1.750 đồng/quả, mỗi ngày gia đình anh thu về 4,5 triệu đồng, tổng thu từ bán trứng 1 năm đạt trên 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, sau 1 năm thu hoạch khi gà già có thể bán làm gà thịt với giá trung bình 100 nghìn đồng/con, 3.300 con gà sẽ mang về mức thu 330 triệu đồng. Như vậy, tổng thu từ trang trại gà của gia đình anh Sơn đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng/năm.

Quảng An