(Baonghean) - Sau ngày Đảng ta ra đời, phong trào dấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ An lên cao. Chính quyền thực dân phong kiến đối phó lại bằng cách đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh và bắt những chiến sĩ cộng sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh đó vào nhà tù. Trong đó Nhà lao Vinh là điểm giam hàng trăm tù chính trị.

 

770246_small_68197.jpgĐồng chí Hoàng Trọng Trì, Bí thư chi độ đầu tiên nhà lao Vinh
Để thống nhất hành động đấu tranh, động viên giữ vững ý chí chiến đấu, bảo vệ cuộc sống và chống lại chế độ nhà tù hà khắc, tháng 6 năm 1930, Chi bộ đảng cộng sản Nhà Lao Vinhđược thành lập. Người bí thư đầu tiên là đồng chí Hoàng Trọng Trì - Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy năm 1930.

 

Do điều kiện khó khăn trong nhà lao các đồng chí bí thư chi bộ luôn thay đổi (bị di chuyểnđến nhà tù khác, do phải giữ bí mật…) nên danh sách các đồng chí bí thư các thời kỳ không thể thống kê hết được. Nhưng một số đồng chí để lại ấn tượng sâu sắc như các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Phúc… thì nhiều người còn nhớ mãi. Theo hồi ký của các đồng chí Chu Văn Biên, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Thị Nhuận… nhiều đồng chí lão thành trong nhà lao Vinh còn sống đã kể cho bạn bè ở Thừa Thiến Huế nghe.

Chi bộ nhà lao Vinh thường khuyến khích anh em làm văn nghệ, giải trí, động viên nhau giữ vững tinh thần trước thảm cảnh tra tấn, chế độ nhà tù hà khắc bằng thơ! Thơ ngoài nêu cao ý chí, đả kích đế quốc thực dân còn “làm cầu nối” ra bên ngoài. Ví như Bí thư Hoàng Trọng Trìnhờ có tài làm thơ mà tên Bốn đưa cơm tù đã mê cả thơ lẫn người.Nhờ vậy, qua tên này, đồng chí liên lạc với đồng chí Chu Văn Biên, cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ; hay như Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Phúc - người có trình độ văn hóa, viết chữ đẹp, giỏi làm thơ - đã viết thơ đả kích“Gửi bếp Trình”,lời lẽ cay độc, hài hước. Từ đó, bọn lính rất nể chị em, sợ bị thơ đả kích viết lên tường và truyền miệng. Chúng bớt hung hăng, hành hạ, thô lỗtrước chị em.

 

Bốt canh Nhà lao Vinh thời thuộc Pháp
Công tác binh vận và tổ chức cho anh em vượt ngục cũng là nội dung thường xuyên của hoạt động chi bộ. Từ tháng 10 năm 1930, công tác binh vận được phối hợp chặt chẽ giữa các đồng chí trong nhà lao và bên ngoài. Những đồng chí hoạt động bên ngoài có điều kiện tiếp xúc binh lính như đồng chí Nguyễn Thị Sinh, Phan Thúc Tường, được Đảng giao cho làm công tác binh vận nối liền con đường tiếp tế và tin tức từ ngoài vào nhà lao. Qua đó, nhiều cuộc vượt ngục được tiến hành thành công.

 

Quan trọng là những cuộc đấu tranh phối hợp “trong, ngoài” gây áp lực đối với chính quyền thực dân phong kiến. Sau cuộc biểu tình 12/9/1930 bị đàn áp đẫm máu, dưới sự lãnh dạo của Chi bộ Nhà lao Vinh, các chiến sĩ cộng sản đã đồng loạt đấu tranh phản đối khủng bố. Nhà Lao còn tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí hy sinh kiên cường như Võ Trọng Cánh (Hưng Nguyên) liệt sĩ Phan Công Thường (Thanh Chương). Đối phó lại, kẻ thù hèn hạ đốt chăn chiếu, quần áo của các chiến sĩ cộng sản, bắt anh em nằm giữa sàn nhà lạnh. Chi bộ đã liên lạc ra ngoài để được chi viện quần áo, thuốc men. Nhiều cuộc đấu tranh phản đối tra tấn dã man, kết án nặng đã diễn ra quyết liệt. Hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh và dư luận, bọn chúng đã có nhiều nhượng bộ. Chẳng hạn giảm mức án đồng chí Hoàng Trọng Trì từ án từ hình xuống chung thân. Hay trường hợp năm 1939, khi đồng chí Siêu Hải - Bí thư Khu ủy Vinh bị bắt lần thứ 3 giam tại nhà lao Vinh, chi bộ đã phối hợp “trong, ngoài” đấu tranh đòi trả tự do cho đồng chí. Địch buộc phải thả, mặc dù chúng có âm mưu hãm hại đồng chí bằng cách gây thương tích ngầm.

 

Thời kỳ nào thì Chi bộ Nhà lao Vinh cũng phải tiến hành đấu tranh kiên cường chống lại chế độ nhà tù hà khắc, bảo vệ cuộc sống, để sau này tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do đó, cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống qua bữa ăn, giấc ngủ, chế độ sinh hoạt càng phải có tổ chức và bài bản. Nhiều cuộc đấu tranh như thế đã diễn ra. Ví như cuộc đấu tranh bằng cách tuyệt thực của 12 phòng giam, phản đối vợ chồng Đội Ba và mụ thầu phán Huệ bắt tù ăn gạo mốc lẫn sạn, cá có dòi, rau thối. Hoặc nữa, đấu tranh đòi tù nhân nữ được tắm giặt những ngày kinh nguyệt; không được hà hiếp, làm nhục chị em.v.v

 

Chi bộ Nhà lao Vinh hoạt động cho đến tháng 8 năm 1945. Bài học mà một số cán bộ bị tù đày trong Nhà lao Vinh còn sống đến dự giao lưu, đã trao đổi với Đòan cán bộ cách mạng bị lao tù của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 2 ngày gặp mặt vừa qua là: bất kỳ ở đâu thì người cộng sản cũng phải đoàn kết, thương yêu nhau mới chiến thắng được kẻ thù, vượt qua được mọi khó khăn. Mặt khác sức mạnh của các đảng viên chỉ được nhân lên khi đứng trong tổ chức chi bộ. Vai trò của chi bộ cực kỳ to lớn, kể cả trong nhà tù đế quốc trước đây, cũng như trong chiến tranh và trong thời bình, xây dựng bảo vệ đất nước hiện nay.


Thành Nam