(Baonghean) - Tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi A1, mộ của Anh hùng liệt sỹ Trần Can - người con xứ Nghệ nằm bên cạnh các anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện - những người đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 
images962010_tran_can__1_.jpgAnh hùng liệt sỹ Trần Can.
Anh hùng liệt sỹ Trần Can sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tràng Sơn, xã Sơn Thành – Yên Thành. Từ nhỏ, Trần Can đã khao khát được vào bộ đội đánh giặc cứu nước. Đã nhiều lần trốn mẹ xin đi tòng quân nhưng vì sức vóc nhỏ yếu nên mãi đến lần thứ 4 – năm anh 20 tuổi mới trúng tuyển. Nhập ngũ đầu năm 1951, năm 1952 anh tham gia Chiến dịch Tây Bắc. 
 
Trong trận đánh ở bản Hoa, Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua cửa mở, dùng thủ pháo tiêu diệt hỏa lực địch – cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cả tiểu đội thương vong gần hết. Trần Can đã cùng 2 chiến sỹ còn lại tổ chức thành một tổ 3 người tiếp tục chiến đấu diệt luôn 3 ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy bắt sống 22 tên. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch lên cứ điểm Him Lam.
 
Trong trận này, tiểu đội Trần Can bắt sống 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Đặc biệt, trong trận đánh chiếm điểm cao 507, Trần Can đã dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên đánh chiếm mỏm Cột Cờ. Khi ta và địch đánh giáp lá cà, Trần Can bị thương nặng nhưng với quyết tâm mãnh liệt, Trần Can đã thay thế cán bộ đại đội tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa để cùng toàn đơn vị tiến lên chiếm sở chỉ huy ở trung tâm Mường Thanh, góp phần tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch. Do bị thương quá nặng, Trần Can đã hy sinh anh dũng vào sáng ngày 7/5/1954, trước giờ toàn thắng chỉ 1 tiếng đồng hồ. 
 
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Trần Can được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công (hạng Nhì và hạng Ba), một Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai lần được bầu là Chiến sỹ thi đua của Đại đoàn 312. Ngày 7/5/1956, đồng chí được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Phát huy truyền thống anh hùng của vùng quê cách mạng, vinh dự là nơi sinh ra và lớn lên của Anh hùng liệt sỹ Trần Can, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, nhiều chiến công trong chiến đấu, sản xuất và xây dựng quê hương giàu mạnh. 
 
Tuy nhiên, bản thân chúng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó của sự gắn kết giữa xưa và nay, giữa truyền thống quá khứ và hiện tại đổi mới. Sơn Thành đã có Di tích nhà thờ họ Lê Tràng Sơn, nơi thờ 2 vị Tiến sỹ - Thượng thư Lê Kính, Lê Hiệu và Phó bảng Lê Doãn Nhã, đã có ngôi trường THCS mang tên nhà yêu nước Lê Doãn Nhã nhưng chưa có một góc nhỏ nào lưu giữ những kỷ vật về Anh hùng liệt sỹ Trần Can. Thiết nghĩ, chúng ta nên xây dựng Nhà lưu niệm anh hùng liệt sỹ Trần Can (tại xã Sơn Thành), nên đặt tên Trường tiểu học Sơn Thành là Trường Tiểu học Trần Can – và nên có những hoạt động thiết thực, phát huy tinh thần yêu nước và tri ân các anh hùng liệt sỹ Điện Biên Phủ.
 
Ngô Đức Tiến