(Baonghean) -Đã 3 năm, tôi mới có dịp quay trở lại vùng đất Thanh Liên (Thanh Chương) thăm chị, vợ của liệt sỹ, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới Lê Văn Phượng. Ba năm trôi qua, nỗi đau mất đi người chồng yêu thương, vắng đi chỗ dựa tinh thần vững chắc chưa lúc nào nguôi, nhưng vì các con nên chị đành chôn chặt trong lòng. Chị tự nhủ mình, hãy vì anh, hãy noi gương anh mà vươn lên, vượt qua mọi sóng gió nuôi các con ăn học, trưởng thành...
Người anh hùng xả thân trong lũ dữ
Những ngày cuối tháng 9/2009, tỉnh Quảng Trị bị nhấn chìm trong lũ dữ. Sau trận mưa xối xả, Thị xã Quảng Trị ngập trong biển nước, dòng sông Thạch Hãn nước dâng đến 8m, cuồn cuộn chảy như thể sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ ra biển Đông. Tài sản và tính mạng của hàng nghìn người dân đang bị đe dọa. Ban Chỉ huy quân sự Thị xã Quảng Trị huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện khẩn cấp lên đường ứng cứu người dân trên địa bàn. Trung tá Lê Văn Phượng (SN 1965, quê xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) - Trợ lý chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự Thị xã Quảng Trị cùng 2 đồng đội được phân công đi ứng cứu nhân dân phường 2. Đang trên đường đi, nghe tiếng kêu cứu ở khu vực xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), Trung tá Lê Văn Phượng cùng đồng đội cơ động đến nơi có tiếng kêu cứu. Ca nô không đèn nhưng vẫn luồn lách tiến sâu vào các ngõ hẻm, vật lộn với dòng nước xiết để đến với bà con. Người già, trẻ nhỏ đói, rét run cầm cập lần lượt được dìu lên ca nô để di chuyển tới nơi an toàn. Trung tá Phượng cởi chiếc áo bạt đang mặc khoác cho một em nhỏ, rồi nhận trách nhiệm lái ca nô tới vùng đất cao hơn. Trong đêm 29/9/2009, tổ công tác đã cứu được 7 người dân.
Chị Phạm Thị Hương xúc động kể lại những kỷ niệm về chồng -
Anh hùng LLVT Lê Văn Phượng.
Về tới đơn vị đã 7 giờ sáng, tất cả đã thấm mệt. Do trực suốt đêm nên anh Phượng cùng 2 đồng đội được nghỉ. Thế nhưng, khi nghe còi báo động, nhét vội miếng lương khô ăn dở vào túi áo ngực, anh Phượng xung phong lên ca nô làm nhiệm vụ tại khu phố 1,2,3 và xã Hải Lệ (Thị xã Quảng Trị). Khi ca nô đến chân cầu Thạch Hãn, nước chảy xiết đẩy ca nô mắc vào chân cầu. Nhanh như cắt, Trung tá Phượng nhảy lên mố cầu, hợp sức cùng đồng đội buộc chặt dây giữ cho ca nô không bị lật. Khi cả 5 chiến sỹ bám được lên thành cầu thì cơn sóng lớn ập tới khiến dây giữ bị giằng, ca nô có nguy cơ bị trôi tuột đi. Trung tá Lê Văn Phượng nhảy xuống đẩy ca nô ra khỏi mố cầu. Một cơn sóng lớn ập đến, nước lớn chảy xiết tạo thành dòng xoáy lật úp và cuốn trôi chiếc ca nô cùng đồng chí Lê Văn Phượng. Khi mọi người đưa được anh lên khỏi dòng nước xiết, trong túi áo ngực anh vẫn còn một miếng lương khô ăn dở…
“Năm mô anh cũng cắt phép vào tháng Chín để về giúp vợ con chạy lũ. Mấy ngày mưa như trút nước, 4 mẹ con hì hục kê đồ đạc lên cao thì anh gọi điện về bảo trong ấy mưa to quá, anh phải đi trực bão cứu dân, dặn tôi cố gắng mấy hôm nữa nước rút anh về. Nhưng rồi anh ấy không về. Lần này, anh đã thất hứa với mẹ con tôi…”, chị Phan Thị Hương – vợ liệt sỹ Lê Văn Phượng khóc, như giãi bày điều sâu kín của người vợ gần 20 năm vò võ chờ từng ngày phép của chồng.
Bước tiếp con đường anh đã đi
Ngày nhận được tin dữ của chồng, chị cũng vừa bạc mặt chống chọi với cơn lũ lớn từ con sông Giăng sau nhà đổ về. Chị gượng dậy, thay anh phụng dưỡng mẹ già và nuôi dạy các con. Việc đầu tiên chị nghĩ đến sau khi hoàn tất việc ma chay cho anh là đóng một chiếc tủ kính để cạnh bàn thờ. Toàn bộ tư trang, quần áo, vật dụng hàng ngày của anh chị để vào đó, cất giữ như một báu vật. Thư anh gửi về nhiều lắm, nhưng trải qua mấy trận lũ lụt, bão bùng, chị chỉ giữ lại được hơn 100 lá. Và cũng chính những lá thư đã ố màu thời gian, rách tả tơi hay thủng lỗ chỗ như những vết đạn bắn ấy đã trở thành nguồn động viên lớn lao đối với chị ngày anh đi xa và cả ngay bây giờ: “Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/ Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em... Thơ anh viết ấm từng nét chữ/ Gửi về em tất cả tấm lòng/ Từng hàng cây ngọn cỏ dòng sông/ Đều sóng sánh trái tim người lính..” (Trích một trong những bài thơ anh viết tặng vợ). Chị ngậm ngùi đọc một đoạn thơ anh viết tặng chị cho chúng tôi nghe, trong nỗi xúc động nghẹn ngào.
Anh hy sinh, đồng chí, đồng đội thương chị góa bụa, một mình chèo chống nuôi 3 đứa con, chăm mẹ chồng ốm liệt giường nên đã đề nghị Huyện đội Thanh Chương bố trí công việc cho chị. Chị trở thành quân nhân, tiếp bước con đường binh nghiệp của chồng như thế. Được khoác lên mình bộ quân phục như thể tôi có thể nhìn thấy bóng dáng của chồng luôn ở bên mình. Mẹ con tôi sẽ tiếp nối con đường anh đã đi”, chị tâm sự. Con trai lớn của anh chị là Lê Văn Thắng hiện đang học lớp 11, em ao ước, một ngày nào đó, em cũng sẽ khoác trên mình bộ quân phục như bố. Từ khi bố hy sinh, em hiểu nhiệm vụ thiêng liêng của người lính và quyết tâm trở thành người lính Cụ Hồ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để thi vào trường quân sự và sẽ trở thành một người lính gan dạ, dũng cảm như bố”, ánh mắt cậu bé đầy vẻ quyết tâm.
Sau 3 năm anh mất, nhờ sự giúp đỡ của các đồng đội, đồng chí, đơn vị và các tổ chức xã hội khác, chị đã dựng được ngôi nhà mái bằng 2 tầng lửng khang trang. Thêm một cái Tết nữa chị và các con vắng anh. Nhưng dưới suối vàng anh có thể yên tâm thanh thản.