(Baonghean) - Thực hiện mục tiêu phấn đấu xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước đưa huyện Kỳ Sơn thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, sau Đại hội, các cấp ủy Đảng ở huyện rẻo cao biên giới này đang triển khai với những giải pháp cụ thể, tạo chuyển biến tích cực. 

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn trao đổi với hộ dân xã Hữu Kiệm về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi hiệu quả
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn trao đổi với hộ dân xã Hữu Kiệm về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi hiệu quả

Nông thôn mới vùng biên

Xã Hữu Kiệm, xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2018, toàn đảng bộ đang nỗ lực quyết tâm cao để hoàn thành từng tiêu chí. Dẫu còn khó khăn bộn bề nhưng Đảng ủy xã xác định phải xây dựng bền vững từng tiêu chí trong đó tiêu chí thu nhập cho các hộ dân rất được chú trọng.

 Vùng rau an toàn Khe Nhinh(bản Na Lượng) rộng 1ha do 10 hộ dân địa phương trực tiếp sản xuất. Có sự hỗ trợ về giống, phân bón, hệ thống nước tưới, lại được cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn tận tình nên các hộ dân chăm chỉ chăm sóc rau nên thửa nào rau cũng xanh tốt. Hôm chúng tôi tới, trên vùng rau bà con trồng này, những luống bắp cải to lù lù, xu hào củ đội lên mặt đất, đậu cô ve sóng hàng vượt choái quá đầu người... rất bắt mắt, khẳng định hiệu quả của mô hình.

Bà con Hữu Kiệm chăm sóc rau an toàn tại khe Nhinh.

Ở Hữu Kiệm sự chuyển động để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống không chỉ có xây dựng mô hình tăng thu nhập cho người dân mà Đảng bộ xã còn chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông để kết nối khoảng cách giữa các bản trong xã. Những con đường bê tông thoáng rộng tại các bản Na Lượng 1, Na Lượng 2; bản Bà... thay thế đường dốc đá ngoằn ngoèo mấy năm trước đã tạo nên bộ mặt nông thôn đổi mới ở xã vùng cao này.

Những con đường nông thôn mới tại Kỳ Sơn

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Lượng cho biết: "Hữu Kiệm là xã điểm NTM của huyện Kỳ Sơn. Để thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2018, chúng tôi đang thực hiện kế hoạch bám vào các tiêu chí còn lại chưa đạt để chỉ đạo thực hiện. Trong các tiêu chí thì chúng tôi chú trọng vào tiêu chí thu nhập cho người dân để giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững bằng các giải pháp nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn, phối hợp với Ngân hàng CSXH hỗ trợ nguồn vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động."   

Đảm bảo QPAN và tăng cường bảo vệ rừng

Trong vai trò lực lượng nòng cốt thường trực chiến đấu, Đảng bộ Ban chỉ huy quân sự huyện đã tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác QPAN. Năm 2016, với nhiệm vụ tập trung xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đã được các bộ phận triển khai cụ thể. Đơn vị thường xuyên duy trì quân số, hoạt động của 2 tiểu đội dân quân thường trực, 3 đơn vị tự vệ mới thành lập, thường xuyên kiện toàn củng cố nâng cao chất lượng lực lượng dân quân tự vệ và phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị công an, biên phòng để thực hiện nhiệm vụ.

Kiểm tra việc chăm sóc vùng rau đơn vị tại Ban Chỉ huy QS huyện Kỳ Sơn

Thượng tá Trần Văn Sơn, Chính trị viên BCH QS huyện cho biết: Đơn vị luôn thể hiện quyết tâm cao xây dựng giữ vững đơn vị quyết thắng, dẫn đầu các phong trào trên địa bàn Kỳ Sơn. Đây là mục tiêu cao nhất mà Đảng bộ sau đại hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nỗ lực thực hiện.

Còn đối với Chi bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Kỳ Sơn thì nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là lãnh đạo thực hiện tốt việc bảo vệ 162.000 ha rừng phòng hộ. Do đó, từ đầu năm đến nay, thời điểm đang mùa khô, Ban luôn tập chỉ đạo các trạm tăng cường công tác tuần tra, phối hợp với các lực lượng chức năng cảnh giác cao độ công tác bảo vệ rừng.

Với lực lượng cán bộ mỏng(40 cán bộ, nhân viên) lại được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên một diện tích rừng phòng hộ rộng lớn, địa hình phức tạp luôn là thách thức đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên nơi đây. Để thực hiện tốt mục tiêu góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn từ 45% lên 55%  của Đại hội Đảng bộ huyện, Ban QL RPH Kỳ Sơn đã xây dựng đề án, chú trọng một số giải pháp như tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng; giao khoán cho từng bộ phận, cá nhân cụ thể gắn với công tác kiểm tra, giám sát.

Bí thư Chi bộ Cao Văn Quỳnh cho biết: Để hạn chế tình trạng phát nương, đốt rẫy đang tràn lan của bà con ảnh hưởng đến việc quản lý diện tích rừng phòng hộ, Ban đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tốc độ bàn giao lại cho các xã, các hộ dân trên 59.000 ha đất chuyển đổi sang đất rừng kinh tế; đồng thời kiến nghị UBND huyện quy hoạch vùng phát rẫy luân canh để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vùng rừng phòng hộ.

Khoanh nuôi bảo vệ rừng tốt đang là giải pháp hưu hiệu để nâng độ che phủ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Trong 3 chương trình đã được Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXII xác định thì Kỳ Sơn đã cụ thể hóa thành 14 đề án trên các lĩnh vực. Đến thời điểm này đã có gần một nửa số đề án được ban hành, và phương châm của chúng tôi tạo sự chuyển biến rõ ngay sau khi đề án ban hành, trên cơ sở chú trọng tập trung nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với xóa nghèo bền vững cho nhân dân./.

Hữu Nghĩa

TIN LIÊN QUAN