Từ lá thư ngắn bày tỏ việc chạm được “mong ước cả đời”, và đã “vững tin trong cuộc sống” của người phụ nữ đơn thân yếm thế ở Khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật, chúng tôi nhắc lại câu chuyện dưới đây, để thấy, hạnh phúc đâu phải là điều gì đó quá cao xa.
anh1361625_8112019.jpg

Người phụ nữ đơn thân yếm thế mà chúng tôi muốn nói đến là chị Nguyễn Thị Thủy, người có thời gian 30 năm tá túc trong một gian nhà tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật, thuộc xã Nghi Phú (TP. Vinh). Liên quan đến chị, ngày 18/4/2019, Báo Nghệ An có đăng tải bài viết “Người phụ nữ đơn thân mong một tấc đất cắm dùi” trên ấn phẩm Baonghean.vn.

Tròn 6 tháng sau, ngày 18/10/2019, Phòng Bạn đọc - Cộng tác viên Báo Nghệ An nhận được thư của chị. Dẫu sự việc liên quan đến chị chỉ là vấn đề nhỏ, bó hẹp trong khuôn khổ của một cảnh đời trong xã hội, nhưng thời khắc này sát với Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam nên ai cũng háo hức.

Thư chị chỉ vẻn vẹn trong trang giấy, nét chữ run run nhưng chất chứa tấm lòng thành:

Lá thư của chị Thủy
 

 

Trái ngọt

Chị Nguyễn Thị Thủy tìm đến Báo Nghệ An dịp đầu tháng 4/2019. Đây là thời điểm xã Nghi Phú thực hiện giải phóng mặt bằng Khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật để quy hoạch phân lô đất ở theo đề án xóa nhà tập thể tạm bợ trên địa bàn thành phố. Hộ gia đình chị Thủy, vì không được Trung tâm Dạy nghề người tàn tật cho mua nhà hóa giá nhà tập thể nên bị loại khỏi nhóm được mua đất trong khu quy hoạch. Không còn nhà, mấy mẹ con đành dắt díu thuê một ki-ốt nhỏ gần cầu vượt Quán Bánh vừa ở, vừa buôn bán lặt vặt để kiếm sống qua ngày. Thương chị bế tắc trong cuộc sống, đã có người hướng dẫn chị viết đơn kiến nghị gửi đến Báo Nghệ An.

Ngày tìm gặp chị Thủy dưới chân cầu vượt Quán Bánh để xác minh về nhân thân, xác định đây là một hoàn cảnh éo le, rất cần được giúp đỡ. Trong ki-ốt tồi tàn, nhỏ, thấp, mẹ con, bà cháu đến 6 - 7 người vừa ở vừa bán hàng vặt để sống qua ngày đoạn tháng, chị trình bày về quá trình hợp đồng lao động với Trung tâm Dạy nghề người tàn tật, quá trình 30 năm sống tại khu tập thể cho đến khi xã Nghi Phú giải tỏa, thực hiện quy hoạch... Từ xác minh người có đơn, hồ sơ tài liệu, các tập thể và cá nhân có liên quan, rà soát các quy định hiện hành, tham vấn các cán bộ quản lý và người có chuyên môn về Luật Đất đai..., Báo Nghệ An đã đăng tải bài viết “Nỗi niềm người phụ nữ đơn thân mong một tấc đất cắm dùi”.

Điều đáng ghi nhận phải nêu rõ ra, đó là UBND xã Nghi Phú và UBND TP. Vinh rất quan tâm đến trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thủy. Cũng chính nhờ vậy, sau khi Báo Nghệ An có thông tin thì UBND xã Nghi Phú và UBND thành phố Vinh đã nhanh chóng có văn bản nêu rõ hoàn cảnh, đồng thời dẫn ra cụ thể các quy định có cơ sở pháp lý kiến nghị đề xuất cấp thẩm quyền xem xét giao đất ở cho gia đình chị.

Liên quan đến việc xét giao đất ở đô thị có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá là việc nhạy cảm, dễ dẫn đến hiểu nhầm, cần hết sức phải thận trọng. Bởi vậy, khi nhận được văn bản của thành phố thì UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu. Chính vì vậy, khi Sở TN&MT có văn bản báo cáo kết quả rà soát, UBND tỉnh mới ban hành Văn bản số 6904/UBND-NN ngày 30/9/2019 chỉ đạo UBND TP. Vinh căn cứ theo quy định của pháp luật, cùng kết quả rà soát, tham mưu của các sở, ngành liên quan để xử lý việc giao đất ở cho chị (thu tiền không qua hình thức đấu giá) tại quy hoạch phân lô đất ở Khu tập thể Trung tâm dạy nghề người khuyết tật.

Chúng tôi đã chuyền tay nhau lá thư của chị Nguyễn Thị Thủy và cùng chung cảm xúc. Vui, đương nhiên vậy. Nhưng còn thấy ý nghĩa với công việc của mình. Bởi, Báo Nghệ An đã cùng với các cấp, ngành giúp được người phụ nữ đơn thân lắm nỗi niềm từng mất phương hướng, bế tắc trong cuộc sống nay đã có đủ nghị lực để vươn lên.

Kết nối liên lạc, chị Thủy cho biết đã quyết định lựa chọn mua một lô đất rộng 50m2. Vì rằng giá đất dù chỉ khoảng 3,2 - 3,5 triệu đồng/m2 nhưng chị cũng phải chạy vạy ngược xuôi vay mới có đủ. Rưng rưng qua điện thoại, chị nói: “Được mua 50m2 đất với giá đấy là tốt lắm rồi. Chị với các cháu sẽ gom góp dựng lên một mái nhà tạm để mẹ con chung sống. Thế là mẹ con chị hạnh phúc lắm rồi...”. Nói với chị: “Cốt có đất để dựng được nhà. Chật đất, chật nhà nhưng gia đình thuận hòa, vui vẻ thì nào có hề gì...”. Phía bên kia máy, nghe tiếng chị cười vui.

Ngẫm ra hạnh phúc nào phải đâu là điều gì đó quá cao xa...