(Baonghean) - Trong nhiều thập kỷ phát triển kinh tế trên vùng đất Phủ Quỳ giàu tiềm năng vào bậc nhất của miền bắc nước ta, các loại cây trồng lâu năm được coi là mũi nhọn, đã tạo ra lượng nông sản hàng hóa tập trung, đó là: cà phê, cao su, cam, quýt và cây mía. Tuy nhiên, khi tiêu thụ gặp khó, hiện tượng chuyển đổi cây trồng theo cách nghĩ riêng của nhiều người sản xuất đang diễn ra, điều đó đòi hỏi phải có chiến lược để ổn định cây trồng, phát triển bền vững.

images1168692_thu_mua_m__cao_su_t_i_c_ng_ty_tnhh_mtv_1_5__nghia___n__nguy_n_son.jpgThu mua mủ cao su tại Công ty TNHH MTV 1/5 (Nghĩa Đàn). Ảnh: Nguyên Sơn
 
Cây cà phê Catimor đang lùi dần 
 
Từ một cây có thời gian đứng đầu trong phát triển kinh tế của vùng đất Phủ Quỳ, nhưng đến nay, diện tích đang nhanh chóng bị thu hẹp. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích cà phê Catimor từ hơn 2.200 ha giảm xuống còn hơn 300 ha tập trung ở những vườn đất bazan loại tốt, rất có thể diện tích còn giảm tiếp. Cây mía lên ngôi nhanh chóng thay chân cà phê. Ở đâu cũng gặp mía, từ đất bãi sông, đất cam hết chu kỳ, đất có độ dốc lớn... và mía đã thực sự không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu nhanh cho hàng vạn hộ nông dân. Cây cà phê trên đất bazan, có đầu tư thâm canh, có cây che bóng tốt, năng suất vẫn đạt trên dưới 20 tấn quả tươi/ha là không khó như ở Phú Tân, Tây Hiếu 1, nhưng khi tính về thu nhập thì cũng chỉ trong khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha, chưa kể là khi giá cà phê xuống quá thấp, 5.000 đồng có lúc chỉ 3.000 đồng/kg quả tươi, không mấy ai còn mặn mà với cây cà phê nữa.
 
Cây cao su gặp khó?
 
Vị trí kinh tế của cây cao su ở Phủ Quỳ đã được xác định từ lâu căn cứ vào điều kiện vùng sinh thái, bởi vậy sau khi những vườn cao su 327 được thanh lý, một thời kỳ mới của cây cao su mở ra, thời cao su tiểu điền, diện tích tăng nhanh không chỉ ở các nông trường quốc doanh mà cả khu vực kinh tế hộ nông dân và lên cả đất rừng của ngành Lâm nghiệp. Có một yếu tố thuận lợi là giá cao su liên tục tăng, cao điểm lên đến 110 - 120 triệu đồng/tấn, người trồng cao su ở Phủ Quỳ trong mùa cạo mủ dài 9 - 10 tháng, cứ mỗi sáng mai, mỗi ha thu về 1 triệu đồng tiền bán mủ nước. 
 
Nhưng từ 2 năm nay, cây cao su vẫn ngày một tăng lượng mủ, còn giá mủ thì ngày một xuống thấp và hiện tượng không vui của người trồng cao su đã diễn ra. Năm nay đã giữa tháng 5 mà ít vườn chưa cạo mủ, những cánh rừng cao su vắng lặng trong khi trên các vườn mía, vườn sắn lại râm ran tiếng người. Trong số các vườn cao su nghỉ cạo có cả nguyên nhân bị bệnh phấn trắng, tầng lá chậm ổn định nhưng chính là do giá mủ quá thấp, từ 15.000 đồng, 10.000 đồng nay chỉ 6.500đ/kg mủ nước. Tiền bán mủ gần như mới đủ tiền thuê cạo, cũng tại đây, có vườn cao su đã quá tuổi thứ 8, quá tiêu chuẩn về chu vi thân vẫn bỏ qua cả 2 mùa cạo, và việc phá bỏ cao su giữa thủ phủ vùng cao su không còn là chuyện lạ. 
 
Trong giải pháp được coi là tình thế chuyển đổi cây trồng, có nhiều nguyên nhân, đi theo giá cả đầu ra của mủ, còn là vấn đề giống. Những năm 1992 - 1994 khi cao su phong trào nổi lên, thị trường cây giống mọc lên như nấm sau mưa, giống tự tạo, thu gom không rõ nguồn gốc, giống từ các tỉnh miền Nam ra... có nhiều vườn đến lúc cạo mủ mới biết không phải là giống chất lượng cao, có những giống cũ chỉ để làm đối chứng so sánh với các giống mới được lai tạo như GT1, PB235 năng suất kém, chưa kể tỷ lệ cây thực sinh cao rồi đến mật độ cây còn lại ít... nhưng lý giải chính vẫn là thu nhập của người trồng cao su kém hấp dẫn.
 
Diện tích cao su bị chặt bỏ để thay thế cây trồng khác chưa phải nhiều nhưng phần nào cũng đã bị lung lay, nhất là trong tư duy kinh tế của người sản xuất, nếu không có biện pháp quản lý tốt về quy hoạch thì rất có thể lây lan ra diện rộng khi mà giá cao su không được cải thiện. Tuy nhiên cho đến nay thì vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt là cao su của các công ty nông nghiệp, nông trường. Theo một công nhân trồng cao su ở nông trường Tây Hiếu 3 thì nếu phá vườn cao su để thay đổi cây trồng mà không được xét duyệt là vi phạm hợp đồng nhận khoán dù là thời hạn 50 năm cũng sẽ bị xử phạt đến 250 triệu đồng/ha.
 
Cây mía lên ngôi?
 
Phần lớn những vườn cao su bị chặt bỏ là chuyển sang trồng mía bởi trong thực tế thì mía vẫn là cây cho thu nhập khá nhất trong hiện tại. Tại một vườn mía ở đội Tân Liên, nông trường Tây Hiếu 3 vốn là đất bazan trồng cà phê cho thu hoạch 3 vụ liên tiếp đều từ 80 - 100 tấn/ha. Với giá mía 850.000 đồng/tấn hoặc có xuống 700.000 đồng/tấn thì cũng đã có thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha. Lý giải của chủ vườn là do trước đây đầu tư nhiều phân bón cho cà phê nên cây mía sau cà phê rất tốt, năng suất những năm sau này có giảm thì vẫn không dưới 80 tấn/ha, đây cũng là trường hợp khá phổ biến ở nông trường Tây Hiếu 1 trên đất bazan. Tuy nhiên, mía cũng chỉ là giải pháp tình thế cho nên nhiều vườn cao su đã đưa cây mía vào trồng xen, vừa cho thu nhập từ cây mía với khoảng 40 - 60% diện tích xen, vừa duy trì được vườn cao su, là biện pháp lấy mía nuôi cao su.
 
Cây sắn yếu thế!
 
Đã có một số vườn cao su chuyển sang trồng sắn, với cây sắn, tuy không cho thu nhập bằng cây mía nhưng ít đầu tư ban đầu, trồng xong bỏ đó năng suất năm đầu cũng đạt 30 - 40 tấn/ha. Nhưng thực tế đã chỉ rõ dù là đất bazan thì năm thứ 2 năng suất chỉ khoảng 20 - 25 tấn/ha, năm thứ 3 xuống dưới 10 tấn/ha, giá sắn từ 140.000- 150.000đồng/tạ củ tươi năm ngoái đã xuống 110.000 - 120.000 đồng/tạ như vừa qua thì thu nhập từ sắn ở các năm sau là rất thấp. Mặt khác sắn là cây làm tăng tốc độ suy thoái của đất, ông Lê Bật Khiển ở Nghĩa Tiến, Thị xã Thái Hòa, người đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất trên vùng đất này đã kết luận: “Sau cây sắn thì đất chỉ để làm gạch...”.
 
Cây ăn quả, đặc biệt là cam, chanh, quýt, bưởi đang nổi lên những con số thu nhập lớn tại Phủ Quỳ, từ những vườn cam thu trên 1 tỷ đồng/ha/năm ở Xuân Thành (Quỳ Hợp) đã làm cho một số người trồng cao su, nhất là những vườn năng suất thấp, muốn thay đổi và thực tế cũng đã có một số vườn cao su đang chuyển sang trồng cam, biết rằng cây cam đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn.
 
Sự biến chuyển của một số cây trồng trên đất bazan Phủ Quỳ cho thấy nông dân đang cần bám vào diện tích quy hoạch và kế hoạch phát triển của các địa phương và cả tỉnh. Chiều theo nhu cầu của thị trường là vấn đề sống còn của mỗi mặt hàng nông sản. Tuy nhiên với các loại cây cũng cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với vùng đất, với công nghiệp chế biến để phát huy tiềm năng, khắc phục khó khăn trong điều kiện nền sản xuất nhỏ, manh mún, của kinh tế hộ gia đình.
 
Lê Đình Định
(Thị xã Thái Hòa)