(Baonghean) - Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND được quy định tại điều 61, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Thực hiện quy định của luật, thời gian qua, HĐND cấp huyện đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. 

Trực tiếp theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp ở một số HĐND cấp huyện gần đây, điều ghi nhận rõ nhất là các địa phương đã quan tâm để chuẩn bị nội dung đưa vào chất vấn và trả lời chất vấn có chất lượng, tập trung vào những vấn đề “sát sườn” của mỗi địa phương. Chẳng hạn ở Thành phố Vinh, đó là công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường; giải quyết các khu nhà ở tập thể cũ; công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý chất lượng, giá cả thuốc chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân; công tác xã hội hóa giáo dục... Hay ở HĐND huyện Diễn Châu, đó là việc thực hiện chính sách bảo hiểm cây lúa; chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề nông dân bỏ ruộng; giải quyết đất đai tồn đọng; an ninh trật tự giao thông trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 7, đoạn giao thoa tại Thị trấn Diễn Châu. Hoặc ở HĐND huyện Thanh Chương, là tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; vấn đề hệ thống lưới điện nông thôn chất lượng thấp; tình hình vi phạm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội gia tăng.... 
 
images908114___i_bi_u_kh_ch_m_i_tham_gia_ch_t_v_n_t_i_k__h_p_c_u_h_nd_huy_n_di_n_ch_u__2_.jpgĐại biểu khách mời tham gia chất vấn tại kỳ họp HĐND huyện Diễn Châu.
 
Nhìn chung, các vấn đề được HĐND cấp huyện đưa ra xem xét tại phiên chất vấn đều được UBND và các cơ quan chuyên môn cấp huyện giải trình, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Đặc biệt, tại phiên chất vấn của HĐND Thành phố Vinh vào kỳ họp thứ 7 diễn ra cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua có thể nói khá sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Có vấn đề như công tác quản lý trật tự đô thị đã có 8 đại biểu HĐND thành phố trực tiếp chất vấn. Bên cạnh chia sẻ với UBND thành phố bởi trật tự đô thị một vấn đề khó, các đại biểu cũng cho rằng yếu kém trong công tác quản lý đô thị thời gian qua là do từ thành phố đến các phường, xã thiếu quyết liệt và cụ thể trong chỉ đao thực hiện; vì vậy đề nghị thành phố cần có giải pháp mạnh mẽ hơn lập lại trật tự, văn minh đô thị theo hướng bền vững, đồng thời chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, quyết tâm giải quyết các “điểm đen” trên địa bàn thành phố. Sau chất vấn của các đại biểu, để không khí chất vấn tiếp tục “nóng” lên, đồng thời để làm rõ hơn các vấn đề mà các vị đại biểu HĐND thành phố chưa đề cập. Chính chủ tọa kỳ họp cũng đặt câu hỏi chất vấn đề nghị làm rõ thêm trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước của UBND thành phố và các phòng, ban chuyên môn trong công tác đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh môi trường thời gian qua, từ đó có giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn, đồng thời cần xác định rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc; có cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng đối với cấp ủy, chính quyền các phường, xã và tránh nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở…
 
Rõ ràng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở HĐND cấp huyện cũng đã đặt lên bàn nghị sự những vấn đề “lớn” và làm “rõ nét” hơn những vấn đề đang đặt ra. Từ thực tiễn hoạt động của mình, ông Trương Hồng Phúc – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương, khẳng định: “Đánh giá một cách khách quan, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn HĐND huyện thời gian qua là rất thiết thực, hạn chế được khá nhiều bức xúc trong nhân dân do các vấn đề được đưa ra chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị, trên cơ sở đó để khắc phục những yếu kém, tồn tại. Các vấn đề đó ở Đô Lương là tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai một số công trình xây dựng trên địa bàn chậm; vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh và y đức trong một số cơ sở y tế còn thấp...”.
 
Ngược lại với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có thể nói khá chất lượng như Thành phố Vinh, Đô Lương... thì ở một số HĐND cấp huyện hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu mới chỉ giải trình từng vấn đề mà HĐND đặt ra từ phía chính quyền và các phòng chuyên môn. Chính điều này làm cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND một số huyện tẻ nhạt, không có ý kiến chất vấn nào từ phía đại biểu HĐND, ngoại trừ một vài ý kiến từ phía chủ tọa kỳ họp. Đơn cử tại kỳ họp thứ 8 HĐND huyện Thanh Chương tổ chức cuối tháng 12/2013, chất vấn về tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; họp chợ trên lòng đường, lề đường.
 
Vấn đề này thực tế diễn ra khá nhiều trên các tuyến đường, khiến nhân dân bức xúc và trở thành vấn đề “nóng” của địa phương, nhưng tại phiên chất vấn ở nội dung này không có một đại biểu nào chất vấn Trưởng phòng Công Thương huyện. Tương tự, ở phiên chất vấn HĐND huyện Diễn Châu tại kỳ họp thứ 8, hàng loạt vấn đề được đặt lên bàn nghị sự như vấn đề giải quyết tồn đọng về đất đai, vấn đề bảo hiểm cho cây lúa, chính sách hỗ trợ nông nghiệp..., nhưng cũng không có đại biểu HĐND nào chất vấn, ngoại trừ 2 đại biểu khách mời và 2 đại biểu là chủ tọa kỳ họp. Điều này làm cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện không cao. Bà Nguyễn Thị Nhàn – Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành cũng thừa nhận: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở HĐND huyện nhìn chung chưa thực sự tốt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
 
 Có ý kiến cho rằng, hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ nhận thức của đại biểu và vai trò điều hành của chủ toạ kỳ họp. Trong khi đó, đại biểu HĐND còn nặng về cơ cấu, chất lượng chưa cao, thiếu am hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình địa phương; các thành viên UBND còn khá nhiều trong HĐND; hoạt động chuyên trách còn quá ít, nhất là ở các ban HĐND. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chất vấn ở một số kỳ họp do năng lực của đại biểu HĐND; mặt khác đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, nhiều người giữ vị trí quan trọng trong cơ quan chấp hành nên nể nang, ngại va chạm, thường ít thể hiện chính kiến trong các hoạt động của HĐND. Thực tế tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở HĐND cấp huyện còn nhiều đại biểu chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc chất vấn tại kỳ họp, có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu ý kiến và chất vấn.
 
Vì vậy, HĐND huyện cần phát huy trách nhiệm, trăn trở thật sự để nâng cao chất lượng các hoạt động thuộc chức năng, thẩm quyền của mình, tăng hiệu quả, hiệu lực cơ quan dân cử ở địa phương. Muốn đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có chất lượng, đòi hỏi HĐND cấp huyện phải chuẩn bị, lựa chọn được các nội dung trọng tâm, thực sự nổi cộm, bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm đưa ra chất vấn tại kỳ họp, đây là khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành công của phiên chất vấn. 
 
Mai Hoa