Đây là mùa giải mà vòng đấu cuối chỉ vẻn vẹn 21.000 khán giả đến sân, nhiều sân khán đài vắng tanh. Không có nhiều trận đấu căng thẳng, quyết liệt như mọi người mong đợi.
Cuộc đua song mã
Cuộc đua chức vô địch năm nay thực sự chỉ có 2 cái tên là Hà Nội và TP.HCM. Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm có 12 lần đứng vị trí số 1, đội bóng của ông thầy Hàn Quốc 14 lần đứng ở vị trí đầu BXH. Sau vòng 18, đội bóng chủ sân Thống Nhất chỉ đứng ở vị trí thứ 2 cho đến cuối mùa giải.
Đây cũng là mùa giải đội bóng thủ đô chỉ đứng trong tốp 2 trong suốt 26 vòng đấu, thể hiện sức mạnh tuyệt đối. Văn Quyết và các đồng đội cũng có chuỗi “nước rút” thần tốc với 6 trận toàn thắng từ vòng 19 đến 24, thực ra đã vô địch V.League sớm 2 vòng đấu, nên Hà Nội mới lơi chân, nếu không số trận thắng còn kéo dài.
Mùa giải đội bóng thủ đô chỉ đứng trong tốp 2 trong suốt 26 vòng đấu (14 vòng đấu đứng số 1). Ảnh HNFC.
Quảng Nam là đội bóng có bước nhảy ngoạn mục nhất, họ có 1 lần đứng chót BXH, 10 lần đứng ở vị trí thứ 13. Nhưng khi ê-kíp 1 thuyền trưởng và 3 cầu thủ từ Hà Nội được tăng cường vào Tam Kỳ, họ đã cán đích vị trí thứ 9. Có “viện binh” họ đã có chuỗi 4 trận thắng liên tiếp từ vòng 19 đến 22, nhưng thoát khỏi vùng xoáy, phong độ đội bóng xứ Quảng lại ỉu xìu ngay.
Sau vòng 10, Than Quảng Ninh đứng vị trí thứ 3 và ngoại trừ vòng 21 tụt xuống thứ 5 còn đoàn quân của HLV Phan Thanh Hùng gắn chặt với vị trí thứ 3. Không đội bóng nào ở V.League xứng đáng hơn các cầu thủ vùng Mỏ cho vị trí này khi mùa bóng kết thúc. Đội bóng vùng Mỏ là số ít CLB có lối đá đặc trưng, chủ động cầm bóng tấn công đối phương, có thời gian kiểm soát bóng thứ 2 V.League 57,5% (chỉ sau Hà Nội).
Các cầu thủ SLNA cùng nhau ăn mừng bàn thắng. Ảnh tư liệu
Chỉ có 5 vòng đấu, SLNA văng khỏi tốp 5 của mùa giải, trong đó sâu nhất là vị trí thứ 9 sau vòng 18. Nhưng rốt cuộc đội bóng xứ Nghệ lại về thứ 7 của mùa giải bởi phương châm “mỗi vòng, 1 điểm” đã không cho họ có cú nước rút theo ý muốn.
SLNA cũng có chuỗi 4 trận hòa từ vòng 7 đến vòng 10, không có đội bóng V.League nào lập được kỷ lục này. Các đội Than Quảng Ninh, SHB.Đà Nẵng cũng chỉ có 3 trận hòa rồi thua còn Quảng Nam sau 3 trận hòa thì mùa giải kết thúc. Đúng là “SLNA không đá vào lưới đội nào thì thôi, còn đội nào muốn đá vào lưới họ cũng bở hơi tai”.
Mùa giải này, rất ít đội bóng có phong độ ổn định, kiểu như Hà Nội có chuỗi 6 trận thắng, Quảng Nam có chuỗi 4 trận thắng. Suốt cả mùa giải chỉ có B.Bình Dương, Hải Phòng, HAGL, TP.HCM, Sài Gòn, Viettel có được mỗi đội 1 lần có 3 trận thắng liên tiếp. SLNA cũng chỉ nhiều nhất là 2 trận thắng liên tiếp (vòng 5,6).
Chuỗi ngày đáng quên
Thanh Hóa là đội có 4 vòng đấu đứng ở vị trí thứ 14 và phải đến sau trận play-off họ mới biết rằng mình chính thức trụ hạng. Không ai “khổ” như BHL, cầu thủ xứ Thanh bởi sau vòng 15 họ đã không còn được hưởng hương vị chiến thắng. 9 trận thua, 2 trận hòa thực sự là quãng thời gian chả ai muốn nhớ.
Cổ động viên Quảng Nam đã chứng kiến cú nước rút 4 trận thắng liên tục của đội nhà. Ảnh QNFC.
Không phải chỉ Thanh Hóa mà có khá nhiều đội bóng khác đã “nếm mật, nằm gai” khi có chuỗi 3,4 trận thua liên tiếp. Đầu tiên S.Khánh Hòa có hat-trick chuỗi 3 trận thua liên tiếp từ vòng 1 đến vòng 4, vòng 7 đến 9 và từ vòng 12 đến vòng 14.
Đội bóng áo lính cũng có 3 trận toàn thua từ vòng 20 đến 23, tương tự là SHB.Đà Nẵng từ vòng 19 đến 21. Dược Nam Định cũng đã gượng dậy bằng chiến thắng ở vòng 5 khi thua liền 4 trận từ vòng 2 đến vòng 4. Đội bóng Cao nguyên toàn tuyển thủ quốc gia và U23 Việt Nam cũng có 2 lần thua liền 3 trận, từ vòng 2 đến vòng 4 và từ vòng 13 đến vòng 15.
HLV Trương Việt Hoàng chia tay đất Cảng cũng chả vui vẻ gì, Hải Phòng thua liền 3 trận cuối mùa giải, như sự buông tay. Trước đó họ có 4 trận thua liên tiếp từ vòng 11 đến 14 cùng với đó là sự ra đi của Đình Bảo, Vương Quốc Trung, 2 cầu thủ xứ Nghệ vốn là trụ cột của đội bóng này.