(Baonghean) - Tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng giảm, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân được nâng cao hơn... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau khoảng gần 2 tháng thực hiện Nghị định 46/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tai nạn giao thông giảm
Từ ngày 1/8/2016, Nghị định 46/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP. Sau gần 2 tháng thực hiện, TTATGT trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Quan sát tại các ngã ba, ngã tư trên nhiều tuyến đường của TP. Vinh, người và phương tiện tham gia giao thông đi lại khá trật tự, nền nếp. Vào giờ cao điểm, ở các chốt giao thông trọng yếu, khu vực gần trường học mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, hình ảnh các chiến sỹ công an áo xanh, cảnh sát giao thông đứng phân luồng, hướng dẫn giao thông đã trở nên quen thuộc.
Trong gần 2 tháng qua, lực lượng CSGT đã tích cực tham gia hướng dẫn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT cùng với chế tài phạt nặng của Nghị định 46/NĐ-CP. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các quy định của Nghị định 46/ NĐ-CP đã có tác động tích cực tới nhận thức, ý thức của người dân.
Ông Hoàng Văn Hiếu, trú phường Cửa Nam (TP Vinh) cho biết: Trước khi chưa có Nghị định 46, nhiều người vẫn cố tình vượt đèn vàng nên dẫn đến nhiều vụ va quệt khiến cho người dân, đặc biệt là những người chở theo con nhỏ đến trường như tôi hết sức lo lắng. Nhưng bây giờ tình trạng trên đã giảm hẳn, nhiều người thấy đèn đỏ, đèn vàng đã tự giác dừng lại.
Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân ở các địa phương cũng được nâng cao hơn. Tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 46, số vụ vi phạm ATGT cơ bản được khống chế, đẩy lùi. Người dân đã nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành khi tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, trú tại thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: việc tăng mức xử phạt một số lỗi giao thông là hết sức cần thiết, giúp răn đe người dân trong việc chấp hành luật giao thông. Trước đây, do mức xử phạt lỗi giao thông đang còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe người dân. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
Tại huyện Nghi Lộc, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn đã tổ chức quán triệt, triển khai các điểm mới trong nghị định, đưa ra những tình huống phức tạp cho cán bộ chiến sĩ để nghiên cứu thực hiện.
Tính từ ngày 16/12/2015 đến 15/8/2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 163 vụ tai nạn giao thông, làm 117 người chết, 116 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 13 vụ ( 7,4%), số người chết giảm 10 người (7,9%), số người bị thương giảm 13 người (10,08%). Riêng trong tháng 8, cả tỉnh xảy ra 18 vụ TNGT, làm chết 13 người, bị thương 12 người. So với cùng kỳ giảm 3 vụ, giảm 1 người bị thương. |
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, qua công tác kiểm tra, xử phạt, thấy rằng một số hành vi như vượt nồng độ cồn, chở quá tải, vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Cá biệt có một số trường hợp có hành vi, thái độ chống đối, không hợp tác với lực lượng CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra phương tiện. Do mức phạt tăng cao nên lực lượng cảnh sát giao thông luôn gặp phải sự phản đối của người dân khi tiến hành xử phạt, đặc biệt là trong xử lý xe quá tải.
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về đảm bảo ATGT ngày càng tăng trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT cao.
Dù Nghị định 46 được ban hành và tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng còn khá nhiều người dân, nhất là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông, chỉ nắm thông tin đại khái hoặc là chưa tìm hiểu rõ. Đại úy Nguyễn Thanh Bình – Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Nghi Lộc cho biết, sau kỳ nghỉ hè, nhiều học sinh chưa nắm được quy định mới trong nghị định nên đầu năm học mới, tình trạng học sinh vi phạm rất nhiều, gây khó khăn cho lực lượng công an khi xử lý.
Theo ý kiến của nhiều người dân thì một số nội dung trong Nghị định 46 hiện vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ như đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều,... thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Nhưng nếu hôm đó mới 17 giờ trời đã tối đen và người điều khiển xe ôtô không bật đèn xe dẫn đến sự cố thì có bị phạt không? Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi lạng lách, đánh võng, dùng chân điều khiến xe máy... thuộc nhóm hành vi lỗi đua xe trái phép có thể mang lại cho xã hội hậu quả rất nghiêm trọng nhưng mức phạt còn quá nhẹ.
Ngoài ra, như ý kiến của nhiều người, chế tài xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm cần được xem xét tăng nặng để tăng tính răn đe; phải có mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tái phạm.
Tính riêng trong tháng 8, Phòng CSGT Công an tỉnh đã tổ chức 2392 ca tuần tra, kiểm soát. Qua đó, lập biên bản 9174 trường hợp vi phạm, tạm giữ 167 xe ô tô; 2016 xe mô tô, 100 xe đạp điện. Đồng thời, ra quyết định xử phạt 8996 trường hợp, chuyển thu phạt hơn 7,3 tỷ đồng. Một số hành vi có mức xử phạt cao như nồng độ cồn (846 trường hợp); vi phạm tốc độ (584 trường hợp); không chấp hành đèn tín hiệu giao thông (433 trường hợp); tránh vượt, đi sai làn đường, phần đường (433 trường hợp). |
Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN