Nếu báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục cách làm như lâu nay thì e rằng chữ “hội nhập” chỉ là hình thức mà thôi.
Trong “guồng quay” hội nhập, báo chí không chỉ là nhân tố tích cực tuyên truyền, cổ vũ mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia hội nhập và biết cách hội nhập đúng hướng, hiệu quả, mà bản thân báo chí cũng phải tăng cường, chủ động hội nhập. Vậy đến nay, báo chí Việt Nam đã và đang hội nhập ra sao? Báo Bưu điện Việt Nam xin giới thiệu một số ý kiến về hoạt động hội nhập của báo chí Việt Nam.
*Ông Lê Quốc Minh- Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus
Nhìn một cách khái quát, báo chí Việt Nam hội nhập khá nhanh và cũng không thiếu loại hình nào so với báo chí thế giới, đặc biệt là từ đầu thế kỷ 21. Nhật báo và tuần báo của Việt Nam thì tiến hơi chậm, nhưng tạp chí của Việt Nam có chất lượng in và nội dung không hề thua kém các tạp chí quốc tế – điều này đã được nhiều chuyên gia nước ngoài xác nhận. Truyền hình Việt Nam cũng vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã có bước phát triển chóng mặt. Đó là chưa kể đến việc tích hợp hàng chục kênh truyền hình nước ngoài. Những tờ báo đầu tiên của Việt Nam đặt chân lên mạng Internet khá sớm, từ những năm 1997-1998, cũng không quá chậm so với thế giới.
Nhưng nói cho công bằng thì báo chí Việt Nam tiếp thu xu hướng thế giới theo kiểu “nửa vời” – nghĩa là bắt nhịp rất nhanh nhưng chỉ dừng ở đó và không tiếp tục đổi mới. Rất nhiều tờ báo cho rằng có được phiên bản điện tử trên Internet là đạt yêu cầu, mà không hề xây dựng một chiến lược digital (số hóa) lâu dài. Hiện nhiều tờ báo ở Việt Nam vẫn loay hoay với chuyện xây dựng website, trong khi thế giới đã bước sang câu chuyện mobile từ lâu. Các báo ở Việt Nam hầu như không quan tâm đến việc xây dựng ứng dụng (application), còn phiên bản mobile web thì nhiều báo làm khá thô sơ.
Rất nhiều vấn đề trọng tâm của báo chí thế giới trong vài năm qua chưa được quan tâm trên báo chí Việt Nam, chẳng hạn công nghệ quảng cáo programmatic advertising, native advertising, các công cụ đo đếm và theo dõi truy cập/người sử dụng hiện đại và minh bạch. Báo chí Việt Nam dường như cũng ít đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm truyền thông mới, vẫn duy trì lối đăng tải nội dung truyền thống, dù có kết hợp giữa thông tin văn bản, ảnh, video và gọi đó là đa phương tiện nhưng vẫn là quá chậm và đơn giản so với cách làm của thế giới khi họ đã kết hợp các tính năng dựa theo địa điểm, truyền thông di động hay công nghệ thời gian thực (virtual reality)… khá mạnh mẽ. Ngay như thiết kế của các website Việt Nam cũng theo phong cách cũ, trong khi các báo nước ngoài từ lâu đã áp dụng thiết kế “responsive” – nghĩa là một thiết kế thống nhất tự động thay đổi theo kích thước của các màn hình máy tính, tablet và mobile.
Xét ở cấp độ phóng viên - biên tập viên, chúng ta có một khó khăn cố hữu lâu nay là ngoại ngữ. Số đông phóng viên, biên tập viên thiếu kỹ năng này rất thiệt thòi vì bỏ lỡ nhiều cơ hội tham dự các cuộc hội nghị, tọa đàm, các khóa đào tạo ngắn và dài hạn… sử dụng tiếng Anh, Pháp làm ngôn ngữ chính. Cũng vì không giỏi ngoại ngữ nên nhiều người chật vật trong việc tìm tài liệu, cả về lĩnh vực chuyên môn do mình đảm nhiệm lẫn các tài liệu về báo chí hiện đại. Cũng vì thiếu ngoại ngữ nên không có nhiều bài báo của Việt Nam nhìn ở góc độ khu vực hoặc quốc tế, trong khi báo chí ở các nước láng giềng của chúng ta như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã làm từ lâu. Cách thức làm báo hiện nay thay đổi rất nhiều, và tôi nghĩ mỗi cá nhân phải tự trau dồi và chuyển đổi bản thân, chứ các trường học – cũng giống như luật pháp – không thể biến chuyển theo kịp tốc độ phát triển của thực tế. Tôi nghĩ có rất nhiều phóng viên, biên tập viên trẻ rất năng động với những thay đổi mới mẻ này, vấn đề là họ chưa được tạo cơ hội thể hiện trong công việc.
Tính quyết định của việc hội nhập trong lĩnh vực báo chí có lẽ phần nhiều phụ thuộc ở cấp độ tòa soạn. Nếu các tòa soạn vẫn cứ duy trì cách làm kiểu cũ, coi tờ báo của mình như một ốc đảo và chỉ loay hoay trong ốc đảo đó thì không thể gọi là hội nhập. Một số báo cũng trăn trở, tìm hướng đi mới, tìm cách tổ chức lại theo kiểu tòa soạn hội tụ, áp dụng các công nghệ mới để theo dõi thông tin, hợp lý hóa luồng công việc. Nhưng đa số tòa soạn ở Việt Nam vẫn làm việc theo công thức chẳng thay đổi mấy so với kiểu làm báo từ cuối thế kỷ trước. Tôi được biết, cho đến giờ phút này, khi thế kỷ 21 đã qua gần 1/5 chặng đường, một số tờ báo in ở địa phương vẫn hoạt động như thể… báo tường, ngừng sản xuất rất sớm và không cần quan tâm khi có tin mới. Báo chí thế giới giờ phải tìm đủ cách để sáng tạo, làm ra các sản phẩm mới mẻ, chấp nhận thử nghiệm và thất bại, nhưng trên báo chí Việt Nam rất khó tìm ra những sáng tạo như thế. Hoặc có nơi sáng tạo mà không được đầu tư thỏa đáng nên sản phẩm cũng chỉ đạt đến mức độ nhất định rồi không phát triển được nữa hoặc thậm chí đi xuống. Nếu báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục cách làm như lâu nay thì e rằng chữ “hội nhập” chỉ là hình thức mà thôi.
*Bà Lương Bích Ngọc-Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Khám phá
Hội nhập ở một cách nhìn mới, khi hầu hết mọi thứ ngày càng mở thì thông tin trao đổi, du nhập và truyền đi cũng trở nên dễ dàng hơn với tốc độ chóng mặt. Những tiến bộ khoa học công nghệ, tình hình kinh tế chính trị của các nước, các tổ chức trên thế giới nay đã thành câu chuyện luận bàn mỗi ngày của nhiều người dân Việt Nam. Và một Việt Nam với môi trường chính trị ổn định, cảnh quan đẹp cũng không hề xa lạ với bất kỳ bạn bè quốc tế nào. Quan hệ hợp tác kinh tế song phương, đa phương của Việt Nam và phần còn lại của thế giới ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển.
Thành quả hội nhập này có sự góp sức không nhỏ của báo chí và truyền thông. Những người làm báo lúc này đóng vai trò như những nhà “nhập khẩu” và “xuất khẩu”, ở đây không còn là hàng hóa hữu hình mà là nhập và xuất thông tin.
Muốn “nhập” được thông tin chất lượng và “xuất” đi thông tin thế giới quan tâm, người làm báo thời hội nhập hẳn nhiên ngoài sự sắc sảo, nhạy bén, cần thông thạo ngoại ngữ và công nghệ. Sự tương tác nhiều chiều trên nền tảng đó giúp nhà báo am hiểu tường tận những vấn đề cần nói và viết với tốc độ cực nhanh. Có vậy mới khai thác được thông tin nhanh chóng và chính xác để hút độc giả về phía mình. Hệt như chuyện, muốn sang sông nhanh và an toàn phải tìm được đò mà lên. Làm báo thời hội nhập cũng vậy.
*Ông Nguyễn Trường Sơn-Giám đốc Trung tâm Hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế, Bộ TT&TT
Báo chí – truyền thông là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, không những phải chủ động hội nhập mà còn giúp các ngành, lĩnh vực khác cùng hội nhập. Thời gian qua, ngành báo chí – truyền thông đã rất nỗ lực để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ cao ngày càng được đặt lên hàng đầu. Việt Nam có lợi thế là nằm trong top các nước phát triển CNTT-TT nhanh nhất, số người sử dụng Internet, số lượng kênh truyền hình, báo chí cũng nằm trong top đầu của thế giới và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để những người làm báo chí, truyền hình, truyền thông của Việt Nam phát huy được năng lực, tài năng.
Thời gian qua, Trung tâm chúng tôi thường xuyên có những hoạt động liên quan đến các hoạt động giao lưu, giới thiệu sản phẩm báo chí truyền thông với nước ngoài. Chúng tôi đã 3 lần tổ chức liên hoan ảnh và phim phóng sự tài liệu ASEAN, tiếp nhận rất nhiều ảnh, phim phóng sự tài liệu từ các nước ASEAN. Đánh giá trên mặt bằng chung thì thấy các tác phẩm ảnh, phim tài liệu Việt Nam nếu so ở tầm khu vực thì chúng ta không thua kém gì. Thậm chí chúng ta còn hơn một số nước.
Ưu điểm của báo chí - truyền thông Việt Nam hiện nay là học nghề rất nhanh, rất năng động khi hội nhập. Nhưng một trong những nhược điểm của Việt Nam hiện nay là hay bị lẫn lộn giữa báo chí tuyên truyền và báo chí giải trí. Nếu chúng ta làm một tờ báo mang tính chất bách hóa tổng hợp thì chắc chắn chiều sâu không thể có được.
Mặt khác, còn rất nhiều tờ báo của Việt Nam đang làm báo ngược quy trình của báo chí hiện đại trên thế giới. Về lý thuyết làm báo hiện đại, bộ phận thiết kế bắt buộc phải thiết kế trang cố định từ đầu trên cơ sở nghiên cứu khoa học, ví dụ mỗi trang ấn định rõ số chữ, số bài, số ảnh, để khi độc giả giở tờ báo ra đọc không bị mỏi mắt, lấy được nhiều hàm lượng thông tin. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí của chúng ta lại dựa trên cơ sở nội dung tin bài có được mới bắt đầu thiết kế trang, nhiều khi khiến người đọc mỏi mắt, cảm thấy chán không đọc nữa. Hoặc trong lĩnh vực truyền hình, theo quy trình làm báo hiện đại thì phải có kịch bản và lời bình rồi từ đó đi quay phục vụ nội dung định hướng của bộ phim, nhưng ở Việt Nam hiện nay, vẫn có một số nơi sau khi định hướng kịch bản xong, đi quay xong mới viết lời bình, cảnh này thiếu thì không viết lời bình nữa, chỉ bình những cái mình có, dẫn đến sản phẩm cuối cùng lệch với dự kiến ban đầu. Giống như một ngôi nhà trông rất đẹp, nhìn từng chi tiết rất đẹp nhưng nhìn toàn cảnh lại méo mó, xộc xệch vì không đồng bộ.
*Blogger Nguyễn Ngọc Long -Trưởng Nhóm Truyền thông Trăng Đen
Thẳng thắn mà nói thì khi hội nhập, báo chí Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế song cũng có những lợi thế riêng. Đầu tiên là về mặt thương hiệu. Rất nhiều cơ quan truyền thông lớn trên thế giới có thương hiệu toàn cầu, tầm hoạt động toàn cầu, nên khi "vào Việt Nam", họ sẽ làm cho người đọc có cảm giác "bề thế" hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ là cảm giác này sẽ không tồn tại lâu, vì đặc thù của báo chí vẫn là tính đa dạng của những thông tin thiết yếu. Mà về mặt này, rõ ràng báo chí Việt Nam lại có lợi thế hơn.
Quan sát các tờ báo giải trí được mua bản quyền như Cosmopolitan, Bazaar, Esquire, hay kênh giải trí MTV của nước ngoài, tôi thấy họ làm "không lại" báo chí trong nước. Rõ ràng lợi thế sân nhà, sự nhạy bén thông tin, số lượng cộng tác viên đa dạng, thấu hiểu văn hoá địa phương vẫn là lợi thế cạnh tranh cốt lõi.
Yếu tố kỹ thuật cũng không phải rào cản lớn. Mặc dù chúng ta mới nói nhiều về truyền thông đa phương tiện, chứ không phải báo chí đa phương tiện. Nhưng thực ra, các phương tiện và phương thức tác nghiệp hiện đại cũng được báo chí Việt Nam bắt kịp rất nhanh với báo chí thế giới. Thí dụ như tác nghiệp bằng điện thoại thông minh, xuất bản ở các chợ ứng dụng, truyền hình trực tiếp trên Youtube và báo chí tương tác.
Nhưng nói gì thì nói, điểm chốt của báo chí vẫn phải là sự đa dạng và nhạy bén thông tin. Tôi nghĩ Luật Tiếp cận thông tin là một vấn đề mà báo chí cần đặc biệt lưu tâm. Để hội nhập tốt, báo chí cần được thi thố ở một sân chơi công bằng. Dự thảo luật này khi được thông qua sẽ tạo ra những cú hích rất lớn cho báo chí trong nước, và bổ khuyết cho phần còn thiếu để sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập.
Còn để đóng góp chung cho sự phát triển của Việt Nam thì tôi nghĩ báo chí cần tiếp cận tới những vấn đề mang tính phổ quát toàn cầu, những giá trị được chia sẻ toàn cầu. Thí dụ như nhân quyền, minh bạch và liêm chính.
Từ trước đến nay, báo chí trong nước đã làm rất tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện, qua đó giúp hoàn thiện việc điều hành, quản lý đất nước của các cơ quan công quyền. Nhưng ở một cuộc chơi lớn hơn, chúng ta phải quan tâm tới những vấn đề lớn hơn.
Những khái niệm có vẻ chưa quen thuộc, báo chí phải góp phần truyền tải nó một cách bình dân tới công chúng để mỗi người thực sự là một công dân toàn cầu. Có công dân toàn cầu, chúng ta mới có thể có nền công nghiệp và kinh tế toàn cầu, tạo ra sự tự tin và tâm thế vững chắc cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Hội nhập ở một cách nhìn mới, khi hầu hết mọi thứ ngày càng mở thì thông tin trao đổi, du nhập và truyền đi cũng trở nên dễ dàng hơn với tốc độ chóng mặt.
Theo Infonet.vn