Giã từ dĩ vãng
Năm 2009 đánh dấu một cột mốc quan trọng của V.League, CLB Hà Nội thăng hạng V.League và một năm sau đó, đội bóng Thủ đô đăng quang tại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Ba năm thăng 3 hạng, mọi thành công đến với CLB Hà Nội quá nhanh, thế nhưng khác với lẽ thường, đội bóng này lên ngôi vô địch V.League 2010 trong nỗi cô đơn, sự ghẻ lạnh của người Hà Nội. Sân Hàng Đẫy vắng như chùa bà Đanh, mỗi trận chỉ đón lưa thưa 1.000 - 2.000 khán giả.
Thời điểm đó, người ta đã hiểu rằng, ký ức về những Công An Hà Nội, Thể Công quá sâu đậm khiến con đường chinh phục khán giả của bầu Hiển và CLB Hà Nội trở nên gian truân hơn bao giờ hết.
Vì thế thông tin một nhóm CĐV Hà Nội được cấp vé, cấp chế độ vào sân cổ vũ cho đội bóng Thủ đô được người hâm mộ ví như một trò hề của V.League.
Nói về bản sắc tại V.League vào thời điểm này, không ai đọ nổi SLNA với bề dày truyền thống gần 40 năm, chưa một lần biết mùi xuống hạng. Nhìn lượng CĐV hùng hậu, cuồng nhiệt bậc nhất V.League, bất kỳ ông bầu nào làm bóng đá dựa trên đồng tiền cũng đều phải thèm khát.
Lúc đó, người ta đinh ninh rằng bầu Hiển với cách làm bóng đá của mình có thể mua được những cầu thủ giỏi và sau đó là danh hiệu, chứ không bao giờ mua được tình yêu của người hâm mộ. Điều này chỉ đúng trước khi mùa giải 2017 và 2018 khởi tranh.
Sân Hàng Đẫy bây giờ, mặt cỏ đã đẹp hơn, khán đài được lắp ghế, khán giả trung bình vào sân khoảng 10.000 - 15.000 người mỗi trận. CĐV cuồng nhiệt, cổ vũ văn minh bài bản, mỗi trận đấu thực sự là một bữa tiệc sân cỏ. Trong đội hình của CLB Hà Nội có hàng loạt ngôi sao U23 Việt Nam như Đình Trọng, Duy Mạnh, Quang Hải, Đức Huy.... Họ đã kéo khán giả đến sân sau hiệu ứng VCK U23 châu Á.
Lại nói về sân Vinh nơi có đội bóng chủ nhà từng là con cưng một thời của CĐV xứ Nghệ, kể từ khi HLV Hữu Thắng ra đi, những người kế nhiệm là HLV Ngô Quang Trường và HLV Nguyễn Đức Thắng đã làm tròn vai trò của mình, điểm nhấn là chức vô địch Cúp QG 2017. Chức vô địch đó tưởng chừng như đánh thức cả một niềm tự hào, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nghệ và sự đầu tư mạnh mẽ hơn.
Nhưng không, bóng đá bây giờ là thời buổi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. SLNA đang chật vật ở nhóm cuối BXH, còn Hà Nội bây giờ đang ngạo nghễ trên đỉnh.
Lối chơi của SLNA thì vẫn vậy, vẫn máu lửa, nhiệt huyết nhưng đã mềm mại hơn, có nét hơn. Vẫn có những ngôi sao như Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh hay Hồ Tuấn Tài trong đội hình. Sân Vinh cũng lắp ghế, khoác lên mình màu áo mới như mong mỏi của bao nhiêu CĐV để rồi phơi mưa phơi nắng, phai màu theo thời gian.
Lượng CĐV đội nhà đến sân cổ vũ cho SLNA cũng tỷ lệ thuận với thành tích, điểm số tại V.League. Trận nhiều thì 7.000 - 8.000, trận trung bình không đến 5.000 người, phần lớn trong số đó là giấy mời, vé mời.
SLNA không thể làm bóng đá theo cách của Hà Nội hay HAGL, vì bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất 1 bầu Hiển và 1 bầu Đức. Thứ duy nhất mà SLNA có là bản sắc, là truyền thống và dàn nội binh có chất lượng.
Đúng ra, đây là thời điểm khó khăn mà đội bóng cần những CĐV ruột, những cầu thủ thứ 12 nhất. Cầu thủ cần khán giả để tạo cảm hứng chơi bóng, nhưng Quế Ngọc Hải và các đồng đội đã không có được điều đó trên sân Vinh dù họ vẫn đang nỗ lực.
Thời thế mỗi lúc một khác, SLNA khó khăn muôn phần về mặt tài chính, lực lượng, vẫn có những trận thua trong thế ngẩng cao đầu. Bóng đá vốn dĩ có thắng có thua, có lúc mạnh lúc yếu. Nhưng nhìn sang CLB Hà Nội, họ sẽ cúi đầu chạnh lòng. Nhưng nói cho cùng thành tích bết bát mà họ đang sở hữu tại V.League đã phần nào làm nguội "chảo lửa sân Vinh" ngày nào.