Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

bna_image_4642199_2712021.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy
PHẢI QUÁN TRIỆT SÂU SẮC QUAN ĐIỂM "DÂN LÀ GỐC"

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tham luận với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tham luận. Ảnh: Thành Duy

Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của Nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đồng thời quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn.

XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI THÀNH THÀNH PHỐ
"XANH - THÔNG MINH - HIỆN ĐẠI"

Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã có bài tham luận với chủ đề: “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham luận tại Đại hội. Ảnh: hanoimoi.com. vn

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Các đại biểu dự phiên tham luận tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 27/1. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, từ đó tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. 

Đồng thời, có cơ chế riêng đối với Hà Nội trong việc đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa, khoa học - công nghệ và thực hiện chuyển đổi số.

Các đại biểu đoàn Nghệ An dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy

Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã tham luận, phân tích, làm rõ các nội dung: Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

Phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân," thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Phát triển kinh tế tri thức - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh...

Các đại biểu đoàn Nghệ An chụp ảnh lưu niệm bên lề Đại hội.

Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.