Bất cập về cơ chế, chính sách
Vấn đề được nhiều đại biểu phường, xã quan tâm là hiện nay với yêu cầu phát triển và đô thị hóa của thành phố Vinh, đòi hỏi nguồn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng rất lớn, tuy nhiên theo cơ chế hỗ trợ đầu tư, thành phố được phân theo mức từ 20 - 80% trên cơ sở khai thác quỹ đất, vậy nên lĩnh vực này rất khó thực hiện.
Đại biểu Đinh Nho Tài (Chủ tịch UBND xã Nghi Đức) và đại biểu Nguyễn Xuân Huân (Chủ tịch UBND phường Trung Đô) cùng nêu thực tế: Có nhiều công trình có tỷ suất đầu tư 5 – 10 tỷ đồng. Theo cơ chế hiện hành, thành phố chỉ hỗ trợ 50%, địa phương 50%, trong khi đó ở cả 2 địa phương này mấy năm nay đều không khai thác được quỹ đất, còn việc huy động nhân dân theo chủ trương xã hội hóa gần như là không thể.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị lãnh đạo thành phố Vinh nghiên cứu lại để thay đổi cơ chế đầu tư linh hoạt theo thực tế, phù hợp với từng địa phương qua các năm, chứ không theo cả giai đoạn.
Cùng quan tâm đến cơ chế, chủ trương đầu tư của thành phố, đại biểu Hoàng Thị Hải Yến – Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức bày tỏ trăn trở khi thành phố là trọng điểm du lịch của tỉnh, nhưng hiện nay lại đang thiếu cơ sở hạ tầng mang tính “tầm cỡ” và thiếu sản phẩm du lịch có thương hiệu. Vì vậy, HĐND, UBND thành phố cần nghiên cứu để có giải pháp thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với sản phẩm du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng mong muốn HĐND, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM đẹp.
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về chủ trương đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thái HTX. Bởi vì lo ngại những bất đồng của các tiểu thương và việc lựa chọn bộ máy quản lý HTX.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lư – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh khẳng định, chủ trương đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ là cần thiết, qua đó đáp ứng xu hướng khách quan và đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là tư tưởng của người dân chưa thông, thậm chí có tình trạng người dân gây áp lực bằng số đông để phản đối chủ trương này. Trách nhiệm của các phòng chuyên môn và các phường, xã là phải tuyên truyền, vận động các tiểu thương để cụ thể hóa mô hình này…
Một vấn đề cũng tiếp tục đặt ra cho HĐND, UBND thành phố đó là những vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Theo dự báo trong năm học 2019 – 2020, thành phố Vinh sẽ tăng khoảng 3.000 học sinh và sẽ tiếp tục tăng ở các năm tới. Thực tế này đòi hỏi cần có chủ trương, chính sách phù hợp, trong đó đẩy mạnh các chương trình, đề án xã hội hóa trong giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Quyết liệt giải quyết các vấn đề bức xúc
Một vấn đề được cử tri phản ánh, kiến nghị tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri và được đặt ra tại các kỳ họp HĐND thành phố, đó là việc cấp mới và cấp đổi Giấy Chứng nhận quyết sử dụng đất (GCNQSD) cho người dân ở các xã sáp nhập vào thành phố như: Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức.
Theo đại biểu Trần Thị Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy), các trường hợp tồn đọng trong cấp GCNQSD đất hiện nay do liên quan đến hồ sơ lưu không còn hoặc do cấp trái thẩm quyền. Bên cạnh đó việc mua bán, chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất thực tế của người dân không trùng với giấy tờ... là những gì mà UBND thành phố Vinh cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết.
Liên quan đến các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang tồn tại trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, một số đại biểu đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư chuyển đổi ngành nghề giống như chính sách xóa bỏ xe công nông trước đây.
Cũng liên quan đến bộ mặt đô thị văn minh, một số đại biểu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị Nghệ An nghiên cứu lựa chọn địa điểm tập kết rác phù hợp gắn với cách thức tập kết tránh gây ô nhiễm tại điểm tập kết như hiện nay.
Để đảm bảo giải quyết tốt các vướng mắc, khó khăn, bất cập của thành phố hiện nay, nhiều đại biểu cũng đề xuất UBND thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giám sát vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Bởi công việc hiện nay ngày càng đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn, trong khi đó biên chế ngày càng tinh giản, nếu không đổi mới cung cách, phương pháp, thái độ làm việc và có cơ chế kiểm soát thì khó để hoàn thành được nhiệm vụ và mục tiêu chung của thành phố khó mà thực hiện hiệu quả.