(Baonghean.vn) - Đó là một trong những bất cập được chỉ ra tại Hội nghị triển khai công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2016 - 2017 do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 19/10.
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo BHXH Nghệ An, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Tỉnh đoàn Nghệ An, UBND các huyện, thành, thị.
Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 499.877/ 544.044 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 91.88%; 387.825 lượt HSSV được KCB tại các cơ sở y tế với tổng số tiền được quỹ BHYT chi trả là 115.652.622.563 đồng. Đặc biệt, một số học sinh chi trả hàng trăm triệu đồng chi phí khám chữa bệnh.
Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008, cụ thể: Mức đóng BHYT HSSV tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; Chuyển từ tham gia theo năm học sang tham gia theo năm tài chính (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm). Cùng với đó, quyền lợi của HSSV được tăng thêm: Ngoài đối tượng HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, theo quy định mới nay trẻ em học tại các trường mầm non cũng được hưởng quyền lợi này; trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng của thẻ BHYT được kéo dài đến ngày 30/9 của năm... |
Dù kết quả công tác BHYT HSSV tăng dần qua các năm nhưng năm học 2015 - 2016 chưa đạt chỉ tiêu giao của UBDN tỉnh giao (95%). Một số địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp như: Quỳnh Lưu (80.13%), Hoàng Mai (78.60%); Hưng Nguyên (80.56%)...
Bên cạnh đó, công tác phối hợp cấp thẻ BHYT cho đối tượng là học sinh từ nhà trường đến cơ quan BHXH và ngược lại còn chậm và sai sót. Công tác y tế học đường tại một số trường chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của phụ huynh HSSV.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là mức đóng tăng 1,5 lần, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại trên được chỉ ra là: Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT trực tiếp đến với học sinh cũng như cha mẹ học sinh còn chưa được chú trọng; một số cơ sở giáo dục còn xem đây là công việc của ngành BHXH, còn tư tưởng thu hộ cho cơ quan BHXH...
Đặc biệt, một số trường học tổ chức thu đồng thời BHYT HSSV và bảo hiểm thân thể nhưng không tuyên truyền, giải thích rõ nên gây nhầm lẫn giữa BHYT HSSV là hình thức bắt buộc do nhà nước thực hiện và bảo hiểm thân thể là hình thức bảo hiểm thương mại.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu: Để đạt mục tiêu đến năm 2017 ,100% HSSV tham gia BHYT, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tỉnh đoàn, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT; Tổ chức mạng lưới đại lý thu BHYT để mở rộng đối tượng tham gia, đồng thời đưa ra phương thức đóng linh hoạt.
Ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trường học, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT học sinh, thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho HSSV ngay tại nhà trường.
Ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt là tuyến y tế xã, phường nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, trong đó có HSSV khi đi khám chữa bệnh.
Dịp này, có 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV năm học 2015 - 2016 được nhận bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam./.
Minh Quân