Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Đại tá Lương Thế Lộc- Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Công an tỉnh) về nội dung này.
P.V:
Đại tá Lương Thế Lộc: Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, năm 2022 sẽ thực hiện các dịch vụ công điện tử, thay thế các loại giấy tờ cá nhân bằng thẻ Căn cước công dân, giảm tối đa việc đi lại của công dân. Bắt đầu từ 25/02/2022, Bộ Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc.
Theo Khoản 7, Điều 2, Quyết định 34/2021/QĐ-TTg thì tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển.
Việc kích hoạt tài khoản dịnh danh điện tử được thực hiện khi công dân Việt Nam đăng ký tài khoản định danh điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử so sánh, đối chiếu tự động thông tin công dân kê khai với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu trùng khớp thì tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 1, nếu tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì hệ thống đối chiếu thêm ảnh chân dung hoặc dấu vân tay của người đăng ký và gửi yêu cầu kích hoạt tài khoản cho người đăng ký qua số điện thoại hoặc email đã đăng ký; người đăng ký thực hiện việc kích hoạt theo yêu cầu của hệ thống định danh và xác thực điện tử.
P.V: Vậy, những lợi ích khi người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?
Đại tá Lương Thế Lộc: Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia), hệ thống sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Công dân có thể thay thế Căn cước công dân và các loại giấy tờ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, hiểm y tế,... khi thực hiện các giao dịch hành chính sẽ giảm thiểu tối đa việc mang theo các giấy tờ. Đồng thời, có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong việc thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn điện, nước, chuyển tiền, đóng bảo hiểm xã hội, y tế...
Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, không thể giả mạo, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc do Bộ Công an quản lý nên khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.
P.V: Những ai được đăng ký tài khoản định danh điện tử, thưa ông?
Đại tá Lương Thế Lộc: Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh. Danh tính điện tử của công dân Việt Nam bao gồm: số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung và vân tay.
Theo đó, cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
P.V: Vậy ông có thể cho biết, quy trình đăng ký tài khoản định dạnh điện tử như thế nào?
Đại tá Lương Thế Lộc: Để đăng ký tài khoản định danh điện tử, công dân đến Bộ phận một cửa, thông báo với cán bộ Công an cấp huyện, quận, tỉnh, thành phố về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử).
Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc. Sau đó, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip theo đúng quy trình cấp Căn cước công dân.
Hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử chưa bắt buộc nhưng khuyến khích nên làm, vì sau này các dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử. Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử, triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021, tầm nhìn đến năm 2030 thì việc đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử ngày càng trở lên cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!