Trong thời gian gần đây vấn đề được xã hội quan tâm, nói đến nhiều đó là việc giáo dục và đào tạo của chúng ta đang thiên về dạy “Chữ” mà xem nhẹ việc dạy “Người”. Đó là cách nói ví von, nhưng thực ra là chúng ta đang chú trọng dạy kiến thức lý thuyết, học chưa đi đôi với hành; chưa quan tâm đúng mức đến truyền, dạy kỹ năng sống cho học sinh; trang bị cho học sinh có thể ứng xử với những tình huống bất trắc thường xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đôi khi chính sự khuôn phép, kỷ luật hà khắc của giáo viên, của phụ huynh đã vô tình bóp nghẹt đi sự sáng tạo, phá cách, trí thông minh của một đứa trẻ.
Có người cho rằng: Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi bạn đang làm nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, nhà văn, bác sỹ? Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi cuộc sống ra cho ta những đề bài kiểu như thoát khỏi đám cháy tòa nhà cao tầng, thoát hiểm khi bị kẹt thang máy, thoát khỏi xe ô tô bị khóa cửa, bị tấn công tình dục, bị chuột rút khi đang bơi, bị rắn độc cắn…
Nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT, thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi, nhưng khi bước vào cuộc sống đời thường, vào thực tiễn công việc còn nhiều “ngớ ngẩn”.
Câu chuyện xẩy ra tại cuộc hội khóa của các cựu học sinh tại một trường THCS, khi ban tổ chức phỏng vấn một bạn học sinh giỏi toán nhất khối thời học sinh và bây giờ là một người thành đạt rằng: Bạn hãy đọc 07 hằng đẳng thức đáng nhớ trong vòng 2 phút – và kết quả bạn ấy chỉ biết đứng cười cùng toàn khóa - những kiến thức học được nhưng không được sử dụng thường xuyên sẽ rời khỏi bộ nhớ của mỗi người.
Như vậy, nhiệm vụ của các nhà trường, của phụ huynh học sinh không phải chỉ học vì để có điểm cao, học để đậu đại học, học để vừa lòng bố mẹ,… mà còn học để biết, học để làm người, học để chung sống, đó cũng là nhiệm vụ cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của phụ huynh đối với ngành giáo dục và đào tạo để giáo dục toàn diện nhân cách một con người.