(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình hành động ban hành kèm theo Quyết định số 3171/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, thời gian qua, BHXH Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động trong quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được ngành BHXH tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ chức, đơn vị; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế. BHXH tỉnh Nghệ An đã thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, loại bỏ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT không còn phù hợp, đảm bảo các thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Việc kê khai thủ tục hành chính được đơn giản hóa theo hướng người kê khai chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai; tổ chức cá nhân chỉ kê khai thông tin lần đầu và kê khai khi có sự thay đổi thông tin, không phải kê khai lại những thông tin đã cung cấp cho cơ quan BHXH.
BHXH các cấp đã tích cực vận động, có giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp giao dịch điện tử và dịch vụ bưu chính khi giao dịch với cơ quan BHXH nhằm cắt giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi đối với doanh nghiệp, đồng thời minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính. BHXH tỉnh cũng đã cử cán bộ chuyên quản đến trực tiếp các đơn vị để hướng dẫn sử dụng các phần mềm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp qua các hình thức bất cứ vào thời gian nào trong ngày. Tính đến 31/11/2016, BHXH tỉnh đã tiến hành cài đặt phần mềm giao dịch điện tử cho 6.890 đơn vị, trong đó số doanh nghiệp là 3.642 đơn vị (đạt 53% tổng số đơn vị đã cài đặt); số đơn vị đã thực hiện giao dịch là 5.118 đơn vị, trong đó số doanh nghiệp là 2.927 đơn vị (chiếm 57,2% tổng số đơn vị đã thực hiện giao dịch). Trên 99% doanh nghiệp thực hiện việc giao nhận hồ sơ qua bưu điện.
BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, BHXH theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và trong các hoạt động doanh nghiệp; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH cùng với việc doanh nghiệp lập hồ sơ để cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp.
Đặc biệt, tổ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với 6 thành viên là trưởng các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh được thành lập đã hoạt động có hiệu quả, thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong tất cả các lĩnh vực như: Thu BHXH, BHYT, chế độ BHXH, BHYT, cấp sổ thẻ, công nghệ thông tin... Các hành viên trong tổ tư vấn đã ghi nhận, xử lý, hướng dẫn kịp thời các vướng mắc từ phía doanh nghiệp và người lao động thông qua trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, qua quy trình tiếp nhận, xử lý đường dây nóng, qua mail và điện thoại cá nhân, được đông đảo doanh nghiệp và người lao động ghi nhận.
Ngành BHXH cũng đã hoàn thành việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính ngay khi có Quyết định sửa đổi, bổ sung để hỗ trợ và xử lý các vướng mắc cho người lao động và người dân về giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; số điện thoại đường dây nóng tại các bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH, các điểm thu BHXH, BHYT, đại lý chi trả lương hưu; ban hành quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin do tổ chức, cá nhân và người lao động phản ánh tại BHXH tỉnh. Đồng thời, kể từ tháng 10/2016, tại bộ phận “một cửa” Văn phòng BHXH tỉnh và BHXH các huyện đã thực hiện việc cấp lại thẻ BHYT bị mờ, rách hoặc mất (cấp lại không thay đổi thông tin) cho các đối tượng.
Bên cạnh những hoạt động đó, ngành BHXH đã tập trung cho công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động để cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong năm 2016, cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động với sự tham gia của hơn 7.000 doanh nghiệp trên địa bàn. BHXH các cấp cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các cấp tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp và người lao động ngay tại trụ sở doanh nghiệp, các khu nhà trọ của công nhân. Những quy định mới về đối tượng tham gia, mức đóng, xây dựng thang bảng lương, phương thức đóng và quy trình thủ tục hồ sơ khi tham gia, giải quyết chế độ đối với doanh nghiệp, người lao động được đại diện cơ quan BHXH giải đáp, hướng dẫn cụ thể, trực tiếp. Ngoài ra còn phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phổ biến tuyên truyền những văn bản, quy định mới về BHXH, BHYT; phản ánh tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp trên địa bàn... Bà Lê Thị Dung - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An cho biết: “Với những giải pháp đồng bộ trên, cùng với sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, ngành BHXH Nghệ An mong muốn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2017, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.
Mai Anh