7 tháng đầu năm, với việc khó tiếp cận vốn ngân hàng và lãi suất vay cao cùng với giá vật tư, thiết bị leo thang, đang đẩy hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An lâm vào khó khăn, phải ngừng hoạt động.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2011 đã có 25 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn và 387 doanh nghiệp đóng và tạm đóng mã số thuế ngừng hoạt động.
Những con số trên khiến chúng ta không khỏi giật mình. Doanh nghiệp vốn là "đội quân" chủ chốt đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, khi doanh nghiệp kém phát triển thì nguồn thu cũng yếu đi và kéo theo những hệ luỵ an sinh xã hội. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Song, hiện nay với quy định của ngân hàng hạn mức cho vay hạn chế nên hầu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa không vay được vốn trung, dài hạn. Bên cạnh đó, với mức lãi suất hiện giao động từ 20-28%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp khi tiếp cận được vốn rồi thì vấn đề lo trả lãi suất cho ngân hàng rất mệt.
Sản xuất, chế biến gỗ tại doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú - Tp.Vinh).
Đại diện lãnh đạo Công ty CP cơ khí Đông Dương cho biết: "Là doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh ga, chúng tôi không vay được vốn ngân hàng mà phải vay vốn ở thị trường ngoài với lãi suất cao ngất ngưởng. Hiện doanh nghiệp đang vay 400 triệu đồng, riêng tiền trả lãi suất hàng tháng đã hết 32 triệu đồng, tiền thuê ốt 6,5 triệu đồng/tháng, tiền lương cho công nhân... Doanh nghiệp cố gắng xoay trở đủ đường cũng chỉ đủ trả lãi suất vay.
Bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An cho biết: Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, với các hình thức Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân, HTX, hộ kinh doanh... Hiện nay, các doanh nghiệp đang khốn đốn vì lãi suất vay cao, sản xuất đình trệ. Bên cạnh đó, xăng dầu, điện, than... liên tục tăng giá, đẩy chi phí đầu vào tăng mạnh, sản phẩm, hàng hoá khó tiêu thụ, bị tồn đọng nhiều đã ảnh hưởng rất lớn tới tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thuế với Nhà nước, trả nợ ngân hàng và tiền công người lao động. Nhiều lao động bỏ việc hoặc nghỉ chờ việc, các doanh nghiệp lại phải lo giữ chân người lao động... Hàng loạt các yếu tố khó khăn trên đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở tỉnh ta phải co hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi, chuyển giao một phần sở hữu để tồn tại. Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An gặp khó khăn, nhìn ra tỉnh bạn như Hải Phòng - một trung tâm công nghiệp - thành phố cảng sôi động của cả nước hiện nay đã có tới gần 30% doanh nghiệp đình trệ sản xuất, có nguy cơ phá sản. Tỉnh Ninh Bình có tới 90% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ thời cơ...
Trong tháng 7/2011 vừa qua, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được tổ chức tại Thị xã Cửa Lò, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ phản ánh với Nhà nước về tình hình của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung hỗ trợ Hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố về các vấn đề như cung cấp các thông tin về thị trường, công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Giúp cho các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình. Ông cho rằng, trong tình hình khó khăn này thì sự nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải cố gắng phát hiện những vấn đề lợi ích trước mắt, nhưng luôn luôn nhìn đến vấn đề lâu dài để có hướng chuẩn bị những yếu tố cần thiết, khi nền kinh tế vượt qua khó khăn sẽ có hướng để phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như vấn đề đổi mới công nghệ, vấn đề đào tạo nguồn lực, sắp xếp lại hoạt động tổ chức của mình để khai thác tối đa nguồn lợi, khắc phục nhanh nhất những khó khăn của từng doanh nghiệp...
Thiết nghĩ, trong giai đoạn này để giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, nên chăng thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp và thực sự vốn mới đến được với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời nên có cơ chế giảm một số thuế cho các doanh nghiệp như Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 được miễn giảm một phần và chuyển sang năm 2012. Các loại thuế khác như thuế GTGT đối với từng mặt hàng, chẳng hạn như thuế GTGT phân bón,... đặc biệt là Thuế đất theo Nghị định 121/NĐ-CP nên được giảm và giãn thời gian nạp trong những năm tiếp theo... Về phía doanh nghiệp cũng phải tự biết cứu mình, với lãi suất vay cao trên 20%/năm như hiện nay, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ lưỡng sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả cao nhất, sản xuất mặt hàng nào được thị trường đón nhận, để có thể tiêu thụ nhanh, quay vòng vốn nhanh phục vụ tái đầu tư sản xuất. Tiết kiệm tối đa mọi chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh được với thị trường... Với những giải pháp như vậy có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.