(Baonghean) - Thời điểm này lúa đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên, tại một số xã ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đã “chớm” hạn. Để chủ động nguồn nước tưới vụ xuân cần thực hiện tốt các giải pháp cấp nước hợp lý ngay từ đầu vụ.

Tại cánh đồng Ga, xã Nghĩa Thuận - Thị xã Thái Hòa, nhiều diện tích lúa đã thiếu nước nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Chuyên ở xóm 7, xã Nghĩa Thuận cho hay: “Nước chỉ đủ gieo cấy, đến giai đoạn lúa bén lại thiếu,  cả 3 sào ruộng nhà tôi khô khốc rất khó làm cỏ chăm sóc lúa”. Theo chị Chuyên nguồn nước tưới cho cánh đồng Ga chủ yếu lấy từ hồ chứa Bắc Vĩnh, do nguồn nước hồ chứa đang cạn, trong khi người dân giành nhau lấy nước vào ruộng dẫn đến tình trạng vùng cuối kênh bị thiếu.

Được biết xã Nghĩa Thuận gieo cấy trên 320 ha lúa, chủ yếu sử dụng nguồn nước hồ đập, giai đoạn nắng nóng, Nghĩa Thuận có gần 200 ha lúa thường bị thiếu nước ở các vùng cuối kênh như các xóm 5A, 5B, 7B, riêng hồ chứa Khe Lau do (Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý) thiếu nước trên 100 ha. Nghĩa Thuận thường bị hạn nặng là do nguồn nước từ hệ thống sông Sào chưa thi công đưa nguồn nước về tới nơi, trong khi nhiều hồ đập bị xuống cấp, chưa kể là hệ thống kênh mương đất khiến thất thoát nước khá nhiều.

Ông Trần Đại Thắng - Phụ trách thủy lợi – HTX Nông nghiệp Nghĩa Thuận cho biết: HTX có 3 người phụ trách thủy lợi thường xuyên hướng dẫn chỉ đạo cho 4 tổ dẫn nước của toàn xã thực hiện theo lịch tưới nước luân phiên, cụ thể là nghiêm túc đóng, mở nước từ hồ chứa theo quy định của HTX. Bên cạnh đó tập trung vận động tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, như thường xuyên duy tu bờ vùng, bờ thửa. Hiện có 7 ha lúa ở vùng cuối kênh xóm 7B bị thiếu nước đã được UBND xã cho bơm nước bổ sung từ lòng hồ 32.
 
images939302_nghia_dan_2.jpgTuyến mương ở Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) đã khô nước.
Sang xã Nghĩa Hội - Nghĩa Đàn, chúng tôi thấy nhiều ruộng lúa “chớm” hạn.  Theo Xóm trưởng xóm Đông Hội I – ông  Đặng Hà Quang  thì  xã có trên 30 ha lúa chủ yếu nằm ở vùng cao cưỡng lâu nay lấy nguồn nước tưới ở hồ Đồng Sằng II, do hồ xuống cấp nên lượng nước bị thất thoát không đủ tưới. Chúng tôi đã vận động các hộ dân sử dụng máy bơm điện cá nhân bơm nước “chết” ở các khe suối, sông cụt lên tưới lúa. Khoảng 10 ngày nữa HTX Nông nghiệp Đại Thắng sẽ cho đặt máy bơm dã chiến 300 mã lực bơm nước từ lòng hồ Đồng Sằng II ra để đảm bảo cho trên 30 ha lúa phát triển, kinh phí do HTX Nông nghiệp Đại Thắng chịu 50% còn lại là do người dân đóng góp.
 
Xã Nghĩa Hội gieo cấy 360 ha lúa xuân, thường có trên 100 ha bị hạn ở các vùng cuối kênh. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa, xã chỉ đạo 2 HTX Nông nghiệp Đại Thắng và HTX Nông nghiệp Đại Đồng điều hành cấp nước hợp lý trên 14 hồ đập và nguồn tưới của sông Sào. Ngay từ đầu vụ xã đã huy động lực lượng nạo vét được gần 2000 m3 bùn đất ở các tuyến kênh trọng điểm Đồng Sằng I, Đồng Sằng II, kênh Diên Bình… Đối với hệ thống hồ đập, ngoài mở nước tiết kiệm hợp lý tại các vùng cuối kênh vào giai đoạn hạn căng thẳng xã sẽ huy động thêm máy bơm dã chiến tận dụng nguồn nước sông Sào tưới lúa. 
 
Trước tình hình đó, Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ (đơn vị quản lý 12 hồ đập lớn nhỏ, tưới cho trên 5.000 ha lúa của Thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn) đang  phối  hợp với chính quyền địa phương để có kế hoạch tưới tiêu phù hợp trên từng địa bàn. Cán bộ kỹ thuật tại các cụm, trạm thủy lợi thường xuyên kiểm tra giám sát cụ thể từng vùng để điều hành, dồn ép nước hợp lý bằng các biện pháp công trình và phi công trình. 
 
Ở huyện Quỳ Hợp một số xã cũng đã có biểu hiện thiếu nước. Xóm Đồng Hạm, bản Còn có 28 ha lúa, trong đó đã bị bồi lấp 2 ha do nước đào đãi thiếc, nguồn nước chủ yếu lấy từ hệ thống Tổng Huống ở xã Châu Cường nằm ở cuối nguồn nên đã bị hạn. Hiện nay,  50/450 ha lúa xuân của xã đã bắt đầu thiếu nước. Khó khăn nhất hiện nay là đập Xoóng Xó tưới cho 150 ha lúa trong năm 2013 bị lũ cuốn trôi. Để khắc phục nước tưới, xã đa huy động nhân dân đắp trên 10 các phai tạm ở dọc dòng sông Dinh để lấy nước tưới lúa.
 
Tuy nhiên, chỉ cần trận mưa là các phai tạm sẽ bị cuốn trôi, giai đoạn lúa trổ, trên 150 ha lúa sẽ bị hạn nặng. Giải pháp cứu lúa có thể đặt máy bơm dã chiến bơm nước từ sông Dinh lên nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp nên rất khó thực hiện. Đập dâng Tổng Huống tưới 200 ha của Châu Cường và Châu Quang hiện nay các cán bộ, công nhân viên đang túc trực điều tiết, dồn ép nguồn nước về các kênh nhánh đảm bảo kênh dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Nếu hạn nặng hơn đơn vị  phải sử dụng 2 máy bơm dầu bơm từ dòng Nậm Tôn lên để tưới lúa. 
 
Công ty TNHH Thủy lợi Quỳ Hợp đang tăng cường lực lượng tập trung vận hành dẫn nước luân phiên vào một số xã vùng cuối kênh như đập dâng Tổng Huống Châu Cường đi xã Châu Quang, kênh Đồng Hợp, Yên Hợp, Châu Đình… Kết hợp với bà con nhân dân tu sửa được trên 30 bai nước ở Châu Cường, Châu Thái, Châu Quang, Châu Hồng… thực hiện các đợt tưới luân phiên hợp lý, tiết kiệm nước. Đối với các vùng cuối kênh công ty đã có kế hoạch chuẩn bị hơn 10 máy bơm dã chiến để kịp thời tưới lúa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh mương, công trình bị hư hỏng, sửa chữa các thiết bị trạm bơm, phát động nhân dân nạo vét thông thoáng kênh mương.
 
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Nghệ An: Mực nước các hồ đập trên địa bàn tỉnh giảm trên 46mm so với cùng kỳ. Giai đoạn lúa trổ sẽ xuất hiện nhiều vùng hạn ở các huyện bán sơn địa, các huyện miền núi và vùng hồ đập, cuối kênh. Để đảm bảo tưới cho trên 85.000 ha lúa xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng kênh mương, hồ đập dang dở để đảm bảo phục vụ nước tưới.
 
Các đơn vị cung cấp nước tưới, các địa phương cần vận hành phân phối tưới nước hợp lý giai đoạn lúa trổ, để dành nước lòng hồ cho vụ lúa hè thu. Lập phương án khi có hạn xảy ra để dồn ép tưới nước luân phiên, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến ở vùng hạn cứu lúa. Đối với vùng hồ đập chỉ đạo các trạm bơm vùng cuối kênh tận dụng các nguồn nước “hồi quy” ở khe suối, sông cụt bơm bổ sung cho lúa, để dành nước lòng hồ cho giai đoạn hạn căng thẳng. Đóng mở nước hồ đập theo kế hoạch và quy định của đơn vị quản lý nước. Các địa phương bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, duy tu kênh mương để tránh thất thoát, rò rỉ nước, tập trung tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm. 
 
Văn Trường