Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều thay đổi lớn.
Được phép tổ chức 1-2 lần tuyển sinh
Theo đó, từ năm nay, các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được phép tổ chức 1-2 lần tuyển sinh, nhưng thời gian tuyển sinh cụ thể do Bộ GD&ĐT quy định. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đặc biệt, các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định. Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác; Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định; Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành;
Sửa đổi chính sách ưu tiên tuyển sinh
Ngoài ra, Thông tư còn sửa đổi một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, chính sách tuyển thẳng để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên.
Cụ thể, đối tượng 01: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015.
Sửa đổi, bổ sung đối tượng “Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên” thuộc đối tượng 03 như sau: Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định;
Bổ sung đối tượng sau đây vào đối tượng 04: Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;
Sửa đổi đối tượng “Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học” thuộc đối tượng 04 như sau: Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng;”
Bổ sung đối tượng ưu tiên sau vào đối tượng 05: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở.
Đối tượng 06 được sửa đổi, bổ sung như sau: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1; Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81%; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Con của người có công giúp đỡ cách mạng.”
Bổ sung đối tượng Người khuyết tật nặng đối tượng 07.
Mở rộng đối tượng tuyển thẳng
Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải;
Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tạo tổ chức, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.
Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật, nếu chưa tốt nghiệp trung học được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học.”
Đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức và đã tốt nghiệp trung học, sau khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đủ số môn quy định theo đề thi chung, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho vào học.”
Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên;
Mỗi thi sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi
Một điểm mới trong tuyển sinh năm nay là mỗi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường, thay vì mọi năm chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi cho những thí sinh thi trượt NV1. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Do năm nay bỏ điểm sàn nên trong Thông tư quy định nguyên tắc tuyển sinh: Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, ban Thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển;
Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi.
Theo ĐCSVN