Còn nhiều vi phạm
Nhằm đảm bảo sức khỏe, phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 5325/QĐ-UBND thành lập đoàn liên ngành thanh tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau gần 2 tuần, đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó, hơn một nửa cơ sở kiểm tra bị phát hiện sai phạm, chủ yếu là người chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh (mặt hàng rượu)… Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt với số tiền hơn 60 triệu đồng.
Nhiều cơ sở lớn bị lập biên bản xử phạt như Công ty CP Thương mại tổng hợp Diễn Châu, khối 4, thị trấn Diễn Châu; Công ty CP Thương mại Phú An, số 1 Trần Phú, TP. Vinh; Hộ kinh doanh nhà hàng Lam Giang, số 35 Lê Văn Miển, TP. Vinh; Siêu thị Tài Lộc, xóm Đông Sơn, huyện Đô Lương; Hộ kinh doanh Trần Ngọc Tráng, số 144 Nguyễn Văn Cừ, TP.Vinh; Hoàng Huy Phương, khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai; Cơ sở nhà hàng Hoan Hợi, xóm 4, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn; Hộ kinh doanh Võ Thị Tú, xóm 7, xã Nghi Phú, TP. Vinh; Hộ kinh doanh nhà hàng Quang Hà, xóm Ngũ Phúc, xã Hưng Lộc, TP. Vinh.
Ông Võ Minh Tuấn - Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Phó trưởng Đoàn thanh tra liên ngành cho biết, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu mua và sử dụng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao, các hộ kinh doanh sẽ đưa ra thị trường rất nhiều mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, các loại mứt Tết… có nguồn gốc xuất xứ, cũng như trà trộn các mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định về quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; khuyến cáo cho người dân khi đi mua sắm Tết hãy là “người tiêu dùng thông thái” cần đến những cơ sở có uy tín, chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có hạn sử dụng rõ ràng… nhằm đảm bảo sức khỏe, phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho bản thân cũng như gia đình”, ông Tuấn nói.
Muôn kiểu đối phó
Mặc dù thời gian qua, các ngành đã nhiều lần tuyên truyền nhưng trên thực tế, có không ít chủ cơ sở kinh doanh vẫn còn “xem nhẹ” công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù những cơ sở này cũng đã nhiều lần bị xử phạt.
Ngày cuối năm, chúng tôi theo chân đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở phường Hồng Sơn, TP. Vinh. Mặc dù đoàn đã công bố quyết định kiểm tra nhưng sau đó một người đàn ông xông vào giật máy ảnh phóng viên, đồng thời lớn tiếng chửi bới đoàn công tác và đuổi ra khỏi cửa hàng. Được biết, một năm trước cơ sở này cũng đã bị xử phạt vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù đã được giải thích nhưng chủ cơ sở kinh doanh này vẫn không cho vào kiểm tra, đoàn công tác đã phải mời UBND phường, Công an phường Hồng Sơn và Phòng Kinh tế UBND TP. Vinh tới. Lúc này, chủ cơ sở mới chịu hợp tác, đồng ý cho đoàn kiểm tra. Đoàn đã lập biên bản thống kê tất cả các bao gạo in tiếng nước ngoài không có tên phụ nhập khẩu. Đồng thời mời chủ cơ sở lên UBND phường Hồng Sơn làm việc, trình các giấy tờ cần thiết... theo ghi nhận của phóng viên thì các bao gạo của cơ sở này để trực tiếp trên nền (trên tấm bạt lót), theo quy định thì phải có kệ để cách xa mặt đất, để cách xa bờ tường...
Thời điểm này, nhiều mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói như bánh, kẹo, mứt các loại được bày bán tại các chợ truyền thống với chủng loại và mẫu mã rất đa dạng, trong đó có rất nhiều chủng loại bánh, mứt kẹo, được bày bán theo cân, không bao bì, nhãn mác đến từ các xưởng sản xuất gia đình với lời đảm bảo bằng miệng "cứ yên tâm về chất lượng". Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm được bày bán ở các chợ truyền thống hiện nay hầu hết đều không có nhãn mác hay thông tin nguồn gốc, xuất xứ.
Ít ngày trước, Quản lý thị trường phối hợp với Công an TP.Vinh và BQL chợ Vinh tiến hành kiểm tra các gian hàng bánh, kẹo, mứt Tết tại khu vực chợ Vinh. Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều loại bánh. kẹo bày bán tại đây vẫn không có nhãn mác để chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại kẹo cân, kẹo yến, mứt Tết... mặc dù trước đó, lực lượng chức năng đã thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở. Khi thấy lực lượng chức năng, các tiểu thương đã đối phó bằng cách vội vàng lấy nhãn mác để dán vào hàng hóa. Sau khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và xử phạt 5 tiểu thương vì bán hàng không có nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 5 yến kẹo để tiêu hủy.
Thực tế nhiều năm cho thấy, rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lợi dụng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết tăng cao mà cung cấp tới người tiêu dùng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu; thực phẩm sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản không đúng quy định trong danh mục cho phép; thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn sử dụng; thực phẩm được chế biến không đảm bảo vệ sinh ATTP;... Thêm vào đó, nhiều người nội trợ còn thiếu kiến thức về ATTP, không biết cách lựa chọn thực phẩm, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách, dẫn đến xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sức mua tăng khoảng 20%. Sức mua thực phẩm tăng cao tập trung ở các sản phẩm như các loại thịt, cá, trứng; các loại bánh, mứt kẹo và các loại đồ uống. Do đó, vấn đề đảm bảo ATTP cần được siết chặt để mọi người dân có một cái Tết vui vẻ và khỏe mạnh.