Xuất ngoại làm việc
Đào Xuân Luận là một cựu sinh viên khá nổi tiếng ở Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An. 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành chế biến nấu ăn, anh đã mất nhiều năm mưu sinh ở trong tỉnh và cuộc sống còn nhiều chật vật. Cơ hội “xuất ngoại” đến với anh sau khi được thầy giáo cũ, hiện đang là Trưởng khoa Kỹ thuật Chế biến món ăn giới thiệu sang làm việc tại một nhà hàng ở Đức.
Sau 4 năm làm việc, với kinh nghiệm, năng khiếu và sự chăm chỉ, hiện anh đang là một bếp trưởng của một nhà hàng Việt tại một thành phố ở vùng Tây Đức. Hơn thế, qua nhiều năm với sự nỗ lực không mệt mỏi, tấm bằng tốt nghiệp của anh đã được Chính phủ Đức chuyển đổi và có ý nghĩa tương đương với bằng đào tạo tại nước ngoài. Đó cũng là tấm vé thông hành vững chắc để anh được làm việc lâu dài tại Đức và tạo cơ hội để anh tuyển thêm nhiều cựu sinh viên khác của trường sang làm việc.
Tại Trường Đại học Vinh, việc sinh viên xuất ngoại và đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình hợp tác đào tạo cũng không phải là hiếm. Đây là chương trình dành cho sinh viên năm thứ 3 từ các khoa Sinh học, Nông lâm ngư, Địa lý, Quản lý tài nguyên môi trường và đã được nhà trường khởi xướng từ năm 2012 với việc đem sinh viên đến làm việc, thực tập tại các trang trại, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Israel và mỗi tuần sẽ được đi học 4 ngày tại các trung tâm nghiên cứu.
Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có chứng nhận thực tập tại nước sở tại và được ưu tiên tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ năm 2019, trường tiếp tục khởi động Chương trình Tu nghiệp sinh Nam Úc nhằm phát triển nhân lực cho tỉnh nhà trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng dân dụng... nhằm tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tỉnh Nghệ An được học hỏi và trải nghiệm tại nước ngoài.
Điều ý nghĩa nhất của chương trình này đó là không chỉ giúp sinh viên có cơ hội học tập mà các em còn được làm việc và trả lương như một lao động chính thức. Nguyễn Đình Chiến - Sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản là sinh viên đầu tiên được tham gia chương trình này. Qua hơn 2 năm học tập và làm việc tại Úc, Chiến đã có những trải nghiệm hết sức đặc biệt tại một doanh nghiệp đúng theo chuyên ngành mà em đang theo học. Bên cạnh đó, em còn được trả lương từ 3.000 - 3.500 đô la Úc/tháng - một con số mơ ước của rất nhiều sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường.
Úc, Nhật Bản và Israel đều là những thị trường tiềm năng và đều hợp tác để tuyển chọn sinh viên Việt Nam sang làm việc, thực tập. Với chương trình này, các em có thể có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng Việt Nam chưa kể làm thêm, được hỗ trợ giới thiệu khi về làm việc tại Việt Nam nếu có nhu cầu. Việc vừa học, vừa làm việc tại nước ngoài cũng sẽ là cơ hội để các em trau dồi ngoại ngữ, các kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và đòi hỏi tính kỷ luật cao.
Đã hơn 3 năm nay, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Phạm Đức Mạnh cùng 15 sinh viên khác của khoa Công nghệ ô tô Đức - Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốcvẫn đến lớp đều đặn và rất ít khi nghỉ học nếu không có lý do đặc biệt.
Đây là lớp học đặc biệt, được dạy theo giáo trình của Chính phủ Đức nhằm đào tạo lao động chất lượng cao đến làm việc tại nước sở tại sau khi tốt nghiệp. Sinh viên theo học lớp này, được tuyển chọn khắt khe từ hàng trăm sinh viên khác của trường với ba môn là Toán, Tiếng Anh và một bài kiểm tra kỹ năng. Quá trình theo học, các sinh viên của lớp học này thường xuyên chịu sự giám sát và kiểm tra theo từng học kỳ của các chuyên gia Đức. Ngoài ra, các em còn phải học thêm ngoại ngữ Đức, tối thiểu là bằng B1 mới có cơ hội sang làm việc tại nước ngoài sau khi làm việc.
Ưu điểm của chương trình này là các sinh viên được đài thọ toàn bộ học phí, kể cả ngoại ngữ. Sau 4 năm học, các em được cấp bằng của cả Việt Nam và của Đức, được tuyển dụng trực tiếp sang làm việc với mức lương khả quan, có thể lên đến hàng nghìn đô la/năm.
Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An cũng đang có 2 lớp học theo chương trình này. Đây cũng là 1 trong 22 trường trên cả nước được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm với số lượng sinh viên rất ít ỏi, chỉ 16 sinh viên/lớp.
Tại lớp Kỹ thuật chế biến nấu ăn, hiện tất cả sinh viên theo học đều là nam và sau 3 năm trải qua một quy trình đào tạo khắt khe, bài bản với hàng trăm món ăn của nước ngoài… cơ hội đến với nước Đức của các em đang ngày một gần.
Sinh viên Giản Tư Trương (quê ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương) cho biết: Gia đình em có một nhà hàng nhỏ ở quê nên ngay từ khi còn học phổ thông em đã mơ ước được làm đầu bếp.
Ban đầu, khi mới vào trường em chỉ nghĩ mình học thật tốt nhưng cơ hội đã cho em đến với lớp đào tạo chất lượng cao này và bây giờ mong ước của em là sớm được ra nước ngoài để làm việc...
Thầy giáo Bùi Văn Đức -Trưởng khoa Kỹ thuật chế biến nấu ăn thì rất lạc quan, bởi theo ông hiện nay thị trường lao động ngoài nước, trong đó có Đức rất cần đội ngũ lao động thuộc chuyên ngành nấu ăn. Vì vậy, nếu được đào tạo bài bản và có sự bảo trợ từ Nhà nước, chắc chắn chương trình sẽ thu hút được nhiều sinh viên tham gia.
Mặc dù đang là chương trình thí điểm và Nghệ An chỉ mới có 2 trường nghề được lựa chọn nhưng việc các sinh viên đã hoàn thành hơn 2/3 chặng đường một cách thuận lợi đã cho thấy những tín hiệu khả quan.
Đây cũng là một hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên đang học tại các trường nghề ở Nghệ An và từ đó sẽ đào tạo được đội ngũ nhân lực lao động chất lượng cao không chỉ phục vụ nhu cầu lao động cho các nước đối tác, mà còn cho cả thị trường lao động trong nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.