Sáng 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Tham dự có ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Nhiều bất cập cần sửa đổi bổ sung
Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) khi áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, sát thực tế, các đại biểu đã đề nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.
Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đóng góp các ý kiến về các nội dung: Bổ sung quy định số lần đối tượng vi phạm về BLGĐ được tiếp xúc nạn nhân mỗi lần không quá 3 ngày (dự thảo luật chưa nêu bao nhiêu lần). Thực tế xử lý vi phạm hành chính rất ít và khó khăn, trong đó, Điều 40 quy định chỉ khi vi phạm BLGĐ mới gửi thông báo về cơ quan thì chưa hợp lý và chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh áp dụng gửi thông báo về cơ quan đối với người có hành vi bạo lực gia đình khi có các biện pháp ngăn chặn. Điều 54 đề nghị bổ sung cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để đảm bảo hiệu quả hơn.
Anh Thái Minh Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn góp ý về các nội dung liên quan đến thông tin, tuyên truyền Luật PCBLGĐ. Cụ thể, Khoản 4, Điều 12 quy định trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra cho người bị bạo lực, đề nghị có quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Điều 14 quy định về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống BLGĐ đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia. Đối với quy định đảm bảo bình đẳng giới cũng như uy tín nhân phẩm danh dự đối với người bị bạo lực, đề nghị bổ sung đối tượng là người có hành vi bạo lực. Đối với quy định về các mặt trái tác động đến hành vi bạo lực gia đình đề nghị bổ sung thêm các nguồn như mạng xã hội, các trò chơi bạo lực… Đối với các cơ quan công an, tòa án… đề xuất bổ sung thêm vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nội dung Luật PCBLGĐ.
Bà Đinh Thị Kiều Trinh - Phó phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH đề nghị cần quy định rõ các chương trình giáo dục đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Tại Khoản 5, Điều 33 về cấm tiếp xúc với người bị bạo lực chưa hợp lý, khó áp dụng nên đề nghị sửa đổi bổ sung hợp lý hơn. Khoản D, Điều 41 cần bổ sung cụ thể các cơ sở, tổ chức tham gia. Đối với quy định về bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần, về tình dục, bà Kiều Trinh đề nghị cần bổ sung rõ hơn các điều kiện, đối tượng, biện pháp thực hiện.
Bà Đặng Thị Phương Lan - Trưởng phòng Văn hóa nếp sống gia đình, Sở Văn hóa -Thể thao cho rằng, quy định về hành vi BLGĐ tại Điểm L, M, Khoản 1, Điều 4 đề nghị bổ sung yếu tố cưỡng ép tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xem xét thêm các hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình như tục bắt vợ… đưa vào hành vi vi phạm Luật PCBLGĐ. Tại Chương 2 đề nghị chỉnh sửa Điểm A,Khoản 2, Điều 14 về yêu cầu thông tin, tuyên truyền, đề nghị điều chỉnh từ ngữ đảm bảo tính thường xuyên liên tục và hiệu quả, thiết thực (bỏ từ “đơn giản”).
Tại Mục 3, Điều 42 về địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư lâu nay phải đảm bảo 4 nội dung, cho nên đề nghị bắt buộc thành lập nhóm phòng, chống BLGĐ; đề nghị bổ sung thêm mô hình và đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 47. Chương 6, Điều 52, tại Khoản 3 đề nghị sửa đổi từ “hướng dẫn” bằng từ “hỗ trợ” xây dựng nhân rộng các mô hình PCBLGĐ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị bổ sung thêm quy định về bảo đảm bí mật riêng tư cho các đối tượng, và bổ sung đối tượng thực hiện hành vi bạo lực bao gồm cả phụ nữ. Đối với quy định về người có hành vi bạo lực gia đình đối với người đã ly hôn là chưa hợp lý, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị bổ sung quy định, giải thích từ ngữ để làm rõ các về đối tượng liên quan hành vi bạo lực gia đình đối với những người sống với nhau như vợ chồng, người đã ly hôn và những đối tượng có quan hệ huyết thống; trong đó, những đối tượng đã ly hôn, hoặc sống với nhau như vợ chồng thì không đưa vào đối tượng quy định xử lý như vợ chồng có hành vi BLGĐ.
Về quy định nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung đối tượng nêu gương là đảng viên; bổ sung quy định về bồi thường thiệt hại trong xét xử hành vi bạo lực gia đình, vì tài sản sau hôn nhân đều quy định tài sản chung.
Các ý kiến khác của đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Hội LHPN tỉnh cũng góp ý đề nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định cụ thể về các nội dung về tin báo và xử lý tin báo tố giác hành vi BLGĐ, trong đó, quy định chuyển về cho chủ tịch UBND xã là chưa hợp lý, đề nghị bổ sung cơ quan xử lý là Công an xã, và sử đổi quy định về đi xác minh sau khi nhận tin báo, mà phải ngăn chặn trước tiên sau đó mới xác minh hành vi.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định về cấm tiếp xúc ở Điều 33 đến Điều 35 và đối tượng giám sát về hành vi cấm tiếp xúc, bởi cấm các thành viên trong gia đình tiếp xúc với nhau sau BLGĐ sẽ dễ gây hậu quả càng nghiêm trọng và ít khả thi; đề nghị bổ sung quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng, con cái trong phòng, chống BLGĐ.
Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi có nhiều quy định mới
Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ trong PCBLGĐ; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và các điều kiện bảo đảm thực hiện PCBLGĐ. Đối tượng áp dụng là người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan.
Dự thảo luật cũng quy định người có nguy cơ cao gây BLGĐ là người có một trong các biểu hiện, hoàn cảnh sống sau: Đã từng có hành vi bạo lực gia đình; Có định kiến giới; Nghiện rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện khác; Nghiện cờ bạc, game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy; Sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực gia đình, có nhiều hủ tục cổ xúy cho bạo lực; Người không kiểm soát được hành vi bạo lực.
Dự thảo Luật PCBLGĐ cũng quy định cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình; hoặc không đến gần nhưng sử dụng các phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Cấm phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc khi chưa được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó.
Một số quy định về hành vi BLGĐ dự thảo luật quy định được các đại biểu quan tâm thảo luận, đề nghị bổ sung sửa đổi: Lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây tổn hại về thể chất, tinh thần. Bỏ mặc không quan tâm, không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc. Phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế. Miệt thị hình thể, giới tính của thành viên gia đình hoặc người sinh con có giới tính không như mong muốn của các thành viên khác trong gia đình.
Ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với nhau. Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó. Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình. Cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi. Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình. Có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp… Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức hoặc ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật…