Cây chè và hành trình “thức đất”
Đồng bào Khơ mú xưa nay sống nương tựa vào rừng, họ đi rừng để săn con hươu, con nai; đi rừng để mót măng, làm rẫy. Vậy nhưng mọi thứ đã đổi thay với bà con bản Thanh Bình, một bản của đồng bào người Khơ mú ở huyện Tương Dương khi họ chuyển về vùng đất mới - xã tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương).
Ở vùng quê mới, bà con đã biết lên rừng để trồng keo, trồng chè. Rồi khi cái đồi đã được phủ xanh, họ lại xuống thung để gieo trồng lúa nước, khoanh chuồng lập trại. Từng ngày, cuộc sống đổi thay.
Nhớ lại quãng thời gian đầu rời quê cũ Tương Dương để về nơi ở mới, ông Lữ Xuân Bích - Bí thư Chi bộ bản Thanh Bình cho biết, Thanh Bình là một trong những bản tái định cư muộn nhất của Thanh Sơn khi năm 2012 bà con mới chuyển về đây.
Những ngày đầu tiên chuyển về vùng đất mới, vốn đất sản xuất hạn chế, bà con lại chưa quen với môi trường mới nên nhiều gia đình đã có ý định quay lại bản cũ. Hiểu rằng chỉ nói mà không làm thì bà con không nghe, không phục nên ông Bích cùng 12 đảng viên trong Chi bộ đã hợp sức cùng nhau vượt khó, bám đất để làm ăn cho bà con noi theo.
Chỉ nói mà không làm thì bà con không nghe, không phục nên các đảng viên trong Chi bộ đã hợp sức cùng nhau vượt khó, bám đất để làm ăn cho bà con noi theo.
Hai tháng sau khi ổn định nơi ở, ông Bích dành toàn bộ tiền đền bù để dồn sức đầu tư cải tạo đất vùng đồi Khe Cam trồng chè. Vợ chồng làm không xuể, ông phải thuê người cùng mình đào đất, làm cỏ, phát cây dại trên diện tích rộng gần 1 ha. Gia đình càng có động lực hơn sau khi được biết Nhà nước có hỗ trợ giống chè cho bà con tái định cư khai hoang làm kinh tế.
Rồi đất không phụ công người, cây chè bén rễ, con nước cũng được dẫn từ Khe Cam về để biến vùng đất hoang hóa ngày nào trở nên màu mỡ, tốt tươi. Sau thành công của ông Bích, bà con trong bản Thanh Bình lấy đó làm tấm gương để bám đất làm ăn.
Có những hộ như Moong Công Cường, Quật Văn Xuân… đã mở rộng diện tích canh tác chè lên tới 1,5 ha. Giờ đây diện tích chè toàn bản đã lên tới hơn 10 ha của 36 hộ tham gia canh tác. Trong đó có gần 7,5 ha cho thu hoạch, mang lại hàng chục tấn thành phẩm mỗi năm. Nhờ chè phát triển tốt tươi nên tư thương vào tận bản thu mua ngay khi hái.
Góp một phần không nhỏ trong thành công ấy là sự nhiệt tình, xông xáo của Bí thư Chi bộ khi không chỉ làm gương mà còn bám sát hướng dẫn cho bà con từng đường đi, nước bước.
Những hạt nhân “miệng nói tay làm”
Cây chè không phải là kỳ tích duy nhất của vùng đất này, còn nhiều lắm những câu chuyện mà cho đến hôm nay vẫn được các cụ cao niên của bản Thanh Bình kể lại cho con cháu, như một niềm tự hào về những ngày khai phá vùng đất nhọc nhằn này. Dẫn chúng tôi đi qua những thửa ruộng vuông hình thẳng lối đang được bà con tích cực cày bừa để sẵn sàng bước vào vụ xuân sắp tới, ông Hùng Ngọc Quế - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thanh Bình vui mừng cho biết: “Nếu trước đây, bà con vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào số gạo trợ cấp của dự án mà lơ là sản xuất thì nay nhiều nhà đã có thóc dự trữ để không còn lo thiếu cái ăn khi hết thời gian hỗ trợ”.
Dừng chân trước 3 sào ruộng nước tốt tươi của gia đình, ông Quế không quên những ngày đầu gian khó đồng hành cùng bà con cải tạo đất, dẫn nước về khai hoang trồng lúa, dù rằng, cái tay vốn chỉ quen cầm rạ, cầm dùi trỉa lúa nay phải cầm cuốc đào đất rồi dùng tay cấy lúa thật sự lạ lẫm. Thế rồi qua các lớp tập huấn kỹ thuật thì những bỡ ngỡ ban đầu qua đi. 3 sào lúa nước trĩu bông, mang về gần 6 tạ lúa mỗi vụ khiến gia đình ông Quế không còn thiếu đói mỗi mùa giáp hạt.
Nếu trước đây, bà con chỉ trông chờ, ỷ lại vào số gạo trợ cấp thì nay nhiều nhà đã có thóc dự trữ để không còn lo thiếu đói mỗi mùa giáp hạt.
Miệng nói, tay làm, ông tiếp tục đồng hành cùng chi bộ để vận động bà con khai hoang thêm đất để cùng làm, cùng vượt khó bám đất làm giàu. Nhờ đó, gần 6 ha đất hoang ven Khe Cam của bản đã được be bờ, dẫn nước vào cải tạo đất, đồng thời đưa giống mới vào sản xuất theo quy trình đã được tập huấn.
Bà con đã được thấy tận mắt rằng làm lúa nước đỡ vất vả hơn lúa rẫy, năng suất và hiệu quả lại cao hơn nhiều. Vậy nên chẳng ai còn ý nghĩ bỏ đất tái định cư để quay về bản cũ.
Ngoài trồng keo, trồng lúa, bà con bản Thanh Bình còn sử dụng hợp lý các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển gần 42 ha keo, 4 ha sắn và nhiều gia trại chăn nuôi. Nhờ ổn định sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm đi trông thấy. Nếu như thời điểm năm 2010 khi bà con bắt đầu chuyển về định cư, tỷ lệ hộ nghèo bản là 100% thì nay chỉ còn hơn 60%.
Thu nhập bình quân đầu người cũng đã xấp xỉ 9 - 10 triệu đồng/năm. Dù rằng, đó là thành quả còn khiêm tốn, nhưng bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy bà con vươn lên để gây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.
Chia tay Thanh Bình, ông Lô Văn Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn tấm tắc: “Là vùng đất khó, lại có địa hình hiểm trở nên Thanh Bình đã từng là bản gặp nhiều thử thách khi vận động bà con rời quê cũ về đây sinh sống. Nhưng rồi, nhờ những “hạt giống đỏ” kiên cường và bền bỉ đi đầu trong công cuộc khai phá vùng đất cằn đã tạo một luồng gió đổi mới thay đổi tư duy, tập quán của bà con trong làm ăn kinh tế. Từ đây, sắc diện của Thanh Bình đã có nhiều đổi thay tích cực và bền vững".