(Baonghean) - Trái ngược hoàn toàn những cam kết khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không gắn cho Trung Quốc cái mác thao túng tiền tệ. Sự “đảo chiều” trong các quyết sách không có gì lạ với vị Tổng thống nhiều khác biệt này, song quyết định mới của ông Trump không khỏi khiến dư luận hoài nghi.  

Một sự mặc cả

Trả lời phỏng vấn hãng AP mới đây, Tổng thống Mỹ Trump khẳng định không đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Và đây là một ví dụ của “sự linh hoạt”. Trước đây, Trung Quốc từng bị Mỹ cáo buộc “gây sức ép” lên đồng Nhân dân tệ để giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn hàng hóa Mỹ. Ông Donald Trump trước khi đắc cử từng ví hành vi này của Trung Quốc là nhằm “đè bẹp” hàng hóa Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đưa Trung Quốc vào danh sách các “quốc gia thao túng tiền tệ” trong ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhưng kể từ khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan điểm của ông Trump về vấn đề tiền tệ của Bắc Kinh đã thay đổi 180 độ. 

Tổng thống Donald Trump bỏ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh Getty Image
Tổng thống Donald Trump bỏ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh Getty Image

Lý giải cho quyết định của mình, ông chủ nhà Trắng viết dòng tweet “Sao phải làm vậy khi Trung Quốc đang giúp chúng ta giải quyết vấn đề Triều Tiên”. Lời giải thích của ông Trump khiến những chuyên gia kinh tế “ngã ngửa” bởi hai vấn đề hầu như chẳng có gì liên quan. Có vẻ như Tổng thống Trump dùng cái mác “thao túng tiền tệ” để “mặc cả” cho một vấn đề chính trị quan trọng mà nước Mỹ đang đối mặt chứ không phải bản chất quốc gia đó có thao túng tiền tệ hay không. 

  Cần nhắc lại là Bộ Tài chính Mỹ đang sử dụng 3 tiêu chí chính để xác định hành vi thao túng tiền tệ, vốn được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra vào năm ngoái gồm: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỷ USD trở lên, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mua ngoại hối duy trì mức 2% GDP trong 12 tháng. Theo phía Mỹ, Trung Quốc hiện nay vi phạm 1 trong 3 tiêu chí đối với việc thao túng tiền tệ, đó là thặng dư thương mại song phương của Trung Quốc với Mỹ lên tới 347 tỷ USD trong năm 2016.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu Trung Quốc không “bắt tay” với Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên, thì liệu ông Trump có bất chấp các tiêu chí trên để liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ hay không. Giới quan sát cho rằng, nếu muốn vị Tổng thống tỷ phú này sẵn sàng thảo ra bộ tiêu chí mới để “cái mác” đó được sử dụng. 

Quân bài chiến lược?

Giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Trump đã không gắn cho Trung Quốc cái mác thao túng tiền tệ dù đó là điều ông cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử, là 1 quyết định khôn ngoan và có tính toán. Ngoài việc gây sức ép Trung Quốc xử lý vấn đề Triều Tiên, ông Trump chắc chắn phải tính đến những cái lợi cho nền kinh tế Mỹ khi cạnh tranh với Trung Quốc. Chẳng thế mà ông thẳng thắn nhắc nhở, Bắc Kinh phải mở rộng thị trường và nền kinh tế của mình cho các công ty Mỹ như một biện pháp điều chỉnh cán cân thương mại song phương.

Quan điểm về tiền tệ Trung Quốc của ông Trump thay đổi khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu tháng 4/2017. Ảnh AFP.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ phải thúc đẩy sự tham gia của thị trường vào việc xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ. Nếu những yêu cầu này từ phía Mỹ được Trung Quốc thực hiện, thì có thể xem đó như một thắng lợi nhất định của Tổng thống Donald Trump khi cùng lúc đã buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong khá nhiều các vấn đề mang tính nút thắt trong quan hệ thương mại giữa hai nước từ nhiều năm nay. Thành công thu được trong việc sử dụng quân bài “thao túng tiền tệ” với Trung Quốc đang mở ra triển vọng Chính phủ Mỹ cũng sẽ thu được những thành công tương tự với các đối tác thương mại lớn còn lại trong danh sách đen của mình.

Bên cạnh đó, việc Mỹ không đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ trước mắt đã làm dịu đi nguy cơ về một “cuộc chiến” thương mại giữa hai nước. Nếu thực hiện như cam kết lúc tranh cử, việc đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn với Trung Quốc cũng có thể gây bất lợi cho nước Mỹ. Bởi hầu hết các tiểu bang tập trung đông dân nhất của Mỹ như Washington, Louisiana, California, New York, Illinois... vẫn đang hưởng lợi từ việc duy trì quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay. Mặt khác, những bang như Nam Carolina, Tây Virginia hay Montana, vốn đang ở trong tình trạng thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc, sẽ đối mặt những hậu quả khó lường nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra giữa hai bên.

Suy cho cùng, ông Trump sử dụng hàng loạt tuyên bố bạo miệng, trong đó có vấn đề tiền tệ của Trung Quốc chỉ nhằm “gây ấn tượng” lúc tranh cử, còn việc hiện thực hóa các tuyên bố ấy lại là chuyện khác. Trong vấn đề hợp tác thương mại với Trung Quốc, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù đúng là Trung Quốc đã từng quản lý đồng nhân dân tệ một cách bất hợp lý, thao túng đồng tiền này ở thời kỳ năm 2005 song các chính quyền Mỹ từ đó tới giờ chưa hề đưa ra biện pháp cứng rắn nào với Bắc Kinh.  

Vậy nên, trừ khi có những lý do thực sự đặc biệt, ít nhà lãnh đạo Mỹ lựa chọn phương án không mong muốn này bởi hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến cả hai phía. Trong suốt hơn 20 năm qua, chỉ có một lần Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ đó là năm 1994. Vì thế có thể nói, những cáo buộc liên quan đến vấn đề này cho đến nay vẫn là phương án mang màu sắc ngoại giao nhiều hơn là kinh tế.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN