(Baonghean) - Đã có một thời, võng cói Phú Hậu (xã Diễn Tân – Diễn Châu) phát triển rất hưng thịnh, được khắp nơi biết đến, thì nay đang dần mai một. Nay mai khi những đôi tay già nua ở làng buông nghỉ, thì nghề bện võng ở làng Phú Hậu chỉ còn là hồi ức nhạt nhòa.

Chiều Đông rét mướt, cụ Nguyễn Thị Tâm năm nay đã bước qua tuổi 87, ở xóm 3, xã Diễn Tân vẫn miệt mài ngồi xe sợi, đan võng. Đôi mắt cụ vốn cận thị bẩm sinh nay gần như chẳng còn nhìn rõ, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt. Là một trong số ít người còn bện võng cói ở làng Phú Hậu, cụ Tâm làm một phần vì mưu sinh, nhưng chủ yếu là để giữ lấy nghề. “Mình gắn bó với nghề đã hơn 70 năm rồi, chẳng dễ gì bỏ được, đến lúc tay chân không còn đủ sức để xe nữa thì nghỉ thôi!” - cụ Tâm nói.

Đan võng cói là nghề truyền thống của làng Phú Hậu, trong ký ức mơ hồ của cụ Tâm, từ thuở nhỏ, cụ đã thấy cả làng làm võng. Thời ấy đám trai làng bên thường tìm đến Phú Hậu hát ghẹo tìm người yêu, đám con gái vừa xe võng vừa hát đối đáp lại. Cứ thế cho đến đêm khuya thì tan phường võng. 15 tuổi cụ Tâm đã tự tay đan được những chiếc võng đầu tiên.

Cụ Tâm bảo mình nay già rồi, đáng lý phải nghỉ ngơi, nhưng chúng nó làm nghề nông cũng vất vả lắm, chẳng lẽ mình còn chút sức lực lại ngồi không. Mỗi tháng kiếm vài, ba trăm nghìn đồng phụ giúp con cháu, có thêm đồng mua trầu…”.

Cụ Lưu Thị Tuyên xe võng ở tuổi 84.
Cụ Lưu Thị Tuyên xe võng ở tuổi 84.

Phú Hậu là ngôi làng cổ tuổi trên 400 năm. Với đặc thù vùng trũng sâu, nhiễm mặn nên cây cói mọc khắp quanh làng. Hàng trăm năm trước, người dân Phú Hậu đã biết dùng cây cói bện những chiếc võng xinh xắn, là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình một thời. Gần hơn, khoảng 20 năm về trước, nếu đàn ông ở Phú Hậu làm nghề nhủi cá thì bện võng là công việc dành cho phụ nữ, họ thường tập trung lại thành phường cùng đan để vừa vui vừa nâng cao năng suất. Thời đó những cánh đồng ở ven kênh Nhà Lê quanh năm xanh mướt cói, góp phần làm nên nét duyên rất riêng cho làng Phú Hậu.

Để làm ra những chiếc võng cói bền đẹp không chỉ đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị, mà còn phải trải qua nhiều công đoạn. Khi nghề phát triển mạnh, để có đủ nguyên liệu, người dân phải đi bứt cói ở các vùng sình lầy khắp các huyện, rồi ra tận Thanh Hóa, vào Vinh tìm mua cói. Những đôi chân trần vượt bộ hàng chục cây số đi tìm cói rồi gồng gánh cói trở về làng…

Võng cói Phú Hậu với đặc điểm bền, đẹp, mỗi chiếc võng có tuổi thọ từ 5 - 7 năm đã góp phần làm nên “thương hiệu” cho nghề bện võng ở đây, sản phẩm võng cói nhanh chóng được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nghề vì vậy đã trải qua những giai đoạn rất hưng thịnh.

Cụ Lưu Thị Tuyên, năm nay cũng 84 tuổi, ở xóm 1, lưng đã còng gập xuống nhưng hàng ngày vẫn phụ giúp con cháu nuôi đàn lợn, chăm lo công việc nhà và tranh thủ bện võng. Trong gian nhà nhỏ, những bó cói được chất trên gác xép, cụ cho biết, nguyên liệu phải chuẩn bị sẵn để làm võng cho cả năm.

Chị Trần Thị Lý, con gái cụ Tuyên lấy chồng cách nhà mẹ chưa đầy 500m, thi thoảng vẫn tranh thủ đi dọc kênh Nhà Lê tìm cói về cho mẹ làm võng. Nhắc lại nghề bện võng cói ánh mắt chị đầy tiếc nuối: “Hồi nhỏ hàng ngày một buổi đi học, một buổi chị em tôi phụ mẹ bện võng, thời ấy cả làng còn làm nghề, vất vả nhưng vui lắm. Chúng tôi được mẹ cho bện võng bán làm “vốn riêng” mua sách vở và quần áo đẹp nên rất hào hứng. Nay vì nhu cầu dùng võng ít, giá mỗi chiếc chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng, trong khi nguyên liệu rất hiếm nên người dân chẳng còn thiết tha với nghề này nữa, bọn trẻ bây giờ vào khu công nghiệp mỗi tháng kiếm được 4 – 7 triệu đồng/tháng, bảo học nghề chúng chẳng chịu!”.

Như một số nghề truyền thống khác ở thôn quê, nghề bện võng cói ở Phú Hậu nay dần suy vi, lúc cao điểm cũng chỉ còn trên dưới 10 người xe sợi, đan võng và vẫn chủ yếu là người già.

Bài, ảnh: Lan Thái

TIN LIÊN QUAN