Giới chức hạt nhân Nhật hôm nay nghi ngờ rằng lõi của một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có thể đã bị thủng, làm tăng nguy cơ phóng xạ nồng độ cao phát tán ra ngoài môi trường.
 
“Có khả năng lò phản ứng đã bị hư hại ở đâu đó”, Hidehiko Nishiyama, người phát ngôn của cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho hay. Nhưng ông cho biết thêm “dữ liệu của chúng tôi cho thấy lò phản ứng vẫn duy trì được một số hoạt động ngăn phóng xạ thoát ra ngoài”.
 
Ông cho hay hư hại có thể đã xảy ra ở lõi của lò phản ứng số 3, nhưng chưa lớn.

764210_small_61517.jpg
 Lò phản ứng số 3 được cho là gánh chịu hư hại nặng nhất trong số 6 lò phản ứng tại Fukushima I.

Giới chức trách cho rằng hư hại cũng có thể xảy ra với các bộ phận khác, như hệ thống bơm hay bể chứa nhiêu liệu đã qua sử dụng.
 
Giới chức nhà máy hiện đang nỗ lực giữ cho nước nguội quanh các thanh nhiên liệu hạt nhân ở lõi của lò phản ứng. Trận động đất/sóng thần hôm 11/3 đã khiến nhà máy bị mất điện và hệ thống làm lạnh của các lò phản ứng bị hỏng.
 
Các chuyên gia cho rằng, lõi lò phản ứng có thể đã bị hỏng sau vụ nổ khí hydro ngày 14/3, khiến tòa nhà ngoài cùng, chứa lò phản ứng bị thổi bay.
 
Lò phản ứng số 3 được xem là lò bị hư hại nặng nhất trong số 6 lò phản ứng tại Fukushima I. Lò này chứa 170 tấn nhiên liệu phóng xạ trong lõi. Những vụ rò rỉ phóng xạ trước đây đều xuất phát từ nỗ lực có chủ đích của giới chức trách, đó là xả bớt một lượng nhỏ hơi nước thông qua các van, nhằm ngăn không cho lõi lò phát nổ. Tuy nhiên, giới chức trách có thể đã không kiểm soát được lượng phóng xạ thoát ra từ lỗ thủng, để chúng thoát ra ngoài môi trường xung quanh cũng như không khí.
 
Ngày hôm nay, giới chức trách nhà máy đã ngừng công tác ứng cứu tại lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm kiểm tra nồng độ phóng xạ.


Theo Dân trí