Cuốn sách đưa người đọc về thời "nhất quỷ nhì ma" khắc họa hình ảnh học đường những năm 1990.
Trong hình dung của nhiều người, học sinh lớp chuyên Văn sẽ là những con mọt sách, kính cận dày cộp, lơ ngơ với mớ áp lực thi cử, học hành. Nhưng đọc Nhật ký chuyên Văn: Ông thầy, 3 con chim quý và 23 con bìm bịp, ta sẽ thấy ba năm học của lớp chuyên khóa 92-95 trường Hà Nội - Amsterdam tràn ngập niềm vui. Vui tới mức các thành viên không ngại ngùng thổ lộ nhớ lớp, mong chóng qua kỳ nghỉ hè để được tới lớp học.
Sách xuất bản từ những cuốn nhật ký xuyên suốt 3 năm học của lớp, với nguồn cảm hứng từ cuốn sổ tay mà thầy dạy Văn, cũng là giáo viên chủ nhiệm, tặng cả lớp ngày đầu nhập học. 26 thành viên (sau này còn 22) đã luân phiên ghi lại nhật ký của lớp trong suốt ba năm tuổi hoa.
Từng trang viết của Nhật ký chuyên Văn đưa người đọc trở về thời ô mai khi xoay quanh những chuyện "trời ơi đất hỡi" của một tập thể lớp, khơi lại ký ức học trò của bao người. Ở đó, ta thấy những bài kiểm tra đầu giờ, những cuốn sổ ghi đầu bài, những buổi học, giờ chơi ngoại khóa... Những chuyến dã ngoại, trốn học tập thể, các trò nghịch ngợm như "dán đuôi" vào lưng áo bạn...
Sách vừa mang đặc điểm của tuổi học trò, vừa có chất riêng của dân Văn. Các thành viên gọi tình trạng "âm thịnh dương suy" trong lớp với ba nam, 23 nữ theo nhiều cách, vừa văn chương vừa hài hước như: "dân tộc thiểu số và phe quần hồng", "một ông thầy, ba con chim quý và 23 con bìm bịp". Lớp toàn nữ, nhưng tinh thần thể thao rất cao. Chuyện thi đấu bóng rổ được kể: "Thôi, chỉ cần bóng rổ cũng đủ. Quên chuyện học hành đi. Chán đời lắm rồi". Bóng rổ cũng đi vào thơ với Lớp 10 Văn Phú (viết theo Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu). Phần giới thiệu về lớp bắt đầu bằng: "Thơ về cái lớp 10 Văn/ Học hành thì 'tuyệt' mà ăn cũng tài. Mười Văn đã có những ai?/ Hai mươi sáu đứa, ba trai thôi mà/ 23 công chúa tinh ma/ Đúng là nhất quỷ... thứ ba học trò".
Nhật ký chuyên Văn cũng khắc họa chân dung người thầy. Nhân vật "ông thầy" hiện lên với vẻ đạo mạo, khả kính, nhưng bao dung, nhiệt huyết. Chính cuốn sổ ông trao cho học trò để các em ghi nhật ký là minh chứng cho việc trao sự tự do, khuyến khích các em thể hiện tình cảm, cái tôi cá nhân mỗi người. Cũng bởi không khí cởi mở, thân thiện thầy tạo ra, các thành viên chuyên Văn 92-95 mới có thể viết về thầy cô bằng những tên gọi đầy trìu mến như: "ông già tốt bụng", "cô quần áo đẹp", "bố già lắm chiêu"...
Không gói gọn là cuốn nhật ký của một tập thể lớp, Nhật ký chuyên Văntrở thành sách ghi lại chuyện học đường một thời. Trong những năm 1992-1995, học sinh, dù là trường chuyên, cũng không phải học tập quá nhiều, khi họ chỉ đến trường ngày một buổi. Từ cách học, ăn uống, giải trí, phương tiện đi lại của lứa học trò những năm 1990 được phản ánh cụ thể. Thế hệ ấy bước đầu được hưởng thành quả của đổi mới, mở cửa. Họ đã nghe nhạc Tây, xem các bộ phim kinh điển của điện ảnh nước ngoài, hâm mộ những ban nhạc thần tượng.
Được viết bởi những tác giả không chuyên, tính trung thực của Nhật ký chuyên Văn được xác minh tới từng ngày, tháng, tên người viết. Là những học trò "văn hay chữ tốt" nên văn phong của sách mạch lạc, trong sáng. Mỗi tác giả một cá tính, một cách viết tạo sự đa dạng. Người đọc có thể tìm thấy sự trầm tĩnh, suy tưởng qua dòng chữ của Hồng Hạnh, Đinh Thủy, tính liên tưởng qua bài viết của Quý, sự lãng mạn qua trang viết của Cẩm Hà, giọng trần thuật sinh động của Mai Liên... Cuốn sách cũng có hình ảnh, tranh vẽ minh họa ngộ nghĩnh của các "họa sĩ nửa mùa" trong lớp. Những trang nhật ký rời rạc của mỗi cá nhân được biên tập khéo thành ba chương, trong đó mỗi chương mang một đặc trưng riêng với "tuổi 16 mộng mơ, 17 hoài nghi, 18 nổi loạn".
Cuốn Nhật ký chuyên Văn không có nhân vật chính, chẳng có cao trào, thắt nút, mở nút, cũng không cố tình đưa ra triết lý nhân sinh cao cả. Sách ấy không dành cho những ai muốn tìm một kiệt tác văn học trong đó. Nhưng nó là tấm vé cho bất cứ ai đang bận rộn với cuộc sống, có thể trở lại tuổi hoa, tìm lại những đẹp đẽ mà chỉ đặc quyền của tuổi học trò mới có.
Theo VNE