(Baonghean) - Là quốc gia sở hữu công nghệ tiên tiến và sản xuất theo hướng sạch, sản phẩm chất lượng cao, khi đến Nghệ An, người Nhật rất ấn tượng với những vùng nguyên liệu trù phú như cam, chè, rau, gạo, gà Thanh Chương, gừng Kỳ Sơn...
Họ đã đi khảo sát, thu thập thông tin, mong hỗ trợ đầu tư những mô hình hiệu quả và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó đầu tư những mô hình thử nghiệm là cách làm truyền thống của người Nhật trước khi đưa vào sản xuất rộng hơn.
Nông dân sản xuất chè matcha
Một ngày cuối năm 2016, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất chế biến chè matcha theo công nghệ Nhật Bản của anh Phạm Văn Quý ở thôn 5, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Anh Quý chia sẻ: Tháng 10/2016, tôi có dịp may mắn được tổ chức JICA mời sang Nhật Bản tham quan học tập mô hình sản xuất chè matcha chất lượng cao. Trong thời gian này tôi được tập huấn kỹ thuật về cách làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè.
Chè được chăm sóc theo công nghệ ở Nhật Bản, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp khi chè tốt dùng lưới đen phủ lên chè để chè có màu xanh đậm, phía Nhật cũng để lại một máy hấp, dùng cho việc hấp chè trước khi đưa vào sấy.
Sau khi học xong, chúng tôi trở về và áp dụng quy trình này dưới sự đầu tư hỗ trợ về kỹ thuật của tổ chức JICA Nhật Bản. Theo đó trong quá trình trồng và chăm sóc nguyên liệu chè matcha luôn tuân thủ theo đúng quy trình từ khâu dọn thực bì dùng hoàn toàn bằng sức lao động. Từ đó nguyên liệu chè sạch đáp ứng theo yêu cầu của dự án.
Anh Quý chia sẻ thêm: Điều đặc biệt, nguyên liệu làm ra chè matcha chỉ thu hái trong một tuần khi búp chè đạt đến độ tiêu chuẩn nhất. Trước khi thu hái, chè được che phủ nắng 60 - 90% cách đó 25 ngày trước khi thu hoạch; trong điều kiện tối, lá chè sẽ sản xuất nhiều chlorophyll làm lá chè có màu xanh đậm hơn bình thường, dẫn đến kết quả lượng catechin và theanin tăng, chè sẽ có thành phẩm ngon nhất. Sau khi chè được thu hái sẽ được bảo quản, hấp, sấy đúng kỹ thuật để mang lại thành phẩm chè ngon, chất lượng.
Trao đổi về việc kết quả sản xuất thử, anh Quý cho hay: Phía dự án đề nghị tôi thu hái và sản xuất chè thô, sấy thô và chuyển vào Sài Gòn chế biến. Mỗi sào đạt 1,5 tạ chè mỗi lần thu hái. Họ hỗ trợ tôi kinh phí sản xuất mô hình, và họ cho biết sẽ hợp tác với tôi một năm nữa để đánh giá kết quả. Nếu mô hình này thành công sẽ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tạo sự đột phá cho ngành chè trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giữ vững thương hiệu chè sạch chất lượng cao của huyện Anh Sơn.
Xây dựng mô hình cam, gà sạch
Xây dựng trại cam sạch ở Quỳ Hợp cũng là mô hình mà phía Nhật Bản đang muốn dành thời gian quan tâm nghiên cứu và đầu tư. Lần lên thăm Quỳ Hợp vào tháng 12 mới đây, các chuyên gia của dự án JICA vô cùng ấn tượng khi được đứng trong những thung lũng cam chín vàng trải dài. Họ đã ghi chép, chụp ảnh, phân tích thông tin về sản xuất của các hộ, về thị trường, giá cả, quan tâm về đất, về tưới, phân bón cho cam... Họ thú vị với một vài hướng đi sáng tạo của nông dân như sản xuất tinh dầu cam, mứt từ vỏ cam.
Đoàn cũng đã đi khảo sát tình hình rau sạch ở thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu, hứa hẹn đầu tư rau sạch cho Công ty Tâm Nguyên khi thấy công ty tâm huyết với dự án đưa rau sạch ra thị trường. Đoàn công tác cũng khảo sát mô hình nuôi gà cỏ hàng hóa ở Thanh Chương. Theo các thành viên dự án cho biết, gà Thanh Chương cũng là đối tượng mà họ nghiên cứu để có hướng tư vấn về đầu ra cho nông dân khi họ biết đây là một sản vật nổi tiếng.
Ngoài các dự án về nông nghiệp đang theo đuổi, hiện nay phía Nhật Bản cũng đã đầu tư dự án nhà máy nước điện giải công nghệ cao ở xã Nghi Phú (TP. Vinh) giai đoạn 1 với 3,2 tỷ đồng, được thị trường chấp nhận. Đơn vị đang hoàn thành các thủ tục, sau khi thăm dò thị trường dự kiến sẽ đầu tư giai đoạn 2 với nhà máy lớn hơn.
Bà Nguyễn Hải Châu, trợ lý dự án nông nghiệp thuộc văn phòng điều phối JICA tại Nghệ An cho hay: Theo từng dự án, các chuyên gia Nhật Bản sẽ thường xuyên sang Việt Nam, đến tận nơi các vùng, các địa phương để nắm bắt thông tin, điều tra, tổ chức các dự án nhỏ kiểu như làm thử và đánh giá trên thực tế xem có chất lượng không có hiệu quả không từ đó mới triển khai ra diện rộng. Các dự án nhỏ tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có tiếng, có chất lượng nhưng đầu ra bấp bênh hoặc giá trị chưa cao; các chuyên gia sẽ xây dựng mô hình chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến kêu gọi tiêu thụ, làm cho sản phẩm được nhiều người biết hơn, mang lại giá trị cao hơn, khuyến khích người dân sản xuất cái mà thị trường cần.
Trao đổi về triển vọng hợp tác với Nhật Bản trong đầu tư vào nông nghiệp, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghệ An có diện tích đất rộng lớn, hơn 1,2 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 260.000 ha; đất lâm nghiệp có rừng trên 970.000 ha và hội tụ nhiều vùng sinh thái khác nhau, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Qua khảo sát, Nghệ An đã được sự án JICA quan tâm đầu tư các dự án về hạ tầng, thủy lợi và mong rằng qua trao đổi tại hội thảo, từ thực tế, doanh nghiệp Nhật Bản và dự án JICA sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư làm lợi cho nông dân, tiếp sức cho nông sản Nghệ An phát triển và mở rộng đến với thị trường thế giới.
Châu Lan - Huyền Trang