Nhật Bản hôm nay đánh dấu một tháng kể từ khi xảy ra thảm hoạ kép tàn phá cả vùng đông bắc nước này và châm ngòi tình trạng khẩn cấp hạt nhân tồi tệ nhất 25 năm qua. Thủ tướng Naoto Kan cam kết “không bỏ rơi những người sống sót”.

Mọi hoạt động trên khắp nước Nhật sẽ tạm dừng vào lúc 14h 46 (giờ địa phương), khoảnh khắc xảy ra trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản mà sau đó dẫn đến một loạt hậu quả thảm khốc về người và vật chất, đặt cả thế giới trong nỗi nỗi lo sợ về nguy cơ một thảm hoạ hạt nhân do nhiều lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân đã bị ảnh hưởng của động đất/sóng thần.
 
Với khoảng 13.000 người được xác định đã chết và 15.000 người vẫn mất tích, đây là thảm kịch tồi tệ nhất với nước Nhật kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.

764568_small_61895.jpg
 Thủ tướng Kan trong chuyến đi thăm thứ ba của ông tới khu vực miền bắc bị động đất
và sóng thần tàn phá. Ảnh: Internet

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm qua đã cam kết “không bao giờ bỏ rơi những người sống sót”, khi ông nỗ lực tập trung sự chú ý vào tương lai, bất chấp cuộc chiến ngày càng gay cấn tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ông phát biểu khi đến khu vực miền bắc bị động đất và sóng thần tàn phá trong chuyến đi thăm thứ ba của ông tới nơi này.

Thủ tướng Kan nói với cư dân địa phương rằng chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ họ. Nhà lãnh đạo Nhật cũng trò chuyện với các quan chức quân sự Nhật Bản và Mỹ, và biểu dương sự hợp tác của họ.

Chuyến đi thăm của ông Kan được thực hiện vào lúc hai lực lượng Mỹ-Nhật tiến hành thêm một nỗ lực thứ hai nhằm tìm kiếm một số người sống sót trong tổng cộng 15.000 người còn được ghi trên danh sách bị mất tích sau thảm họa ngày 11/3.
 
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng khoảng 22.000 binh lính Nhật Bản và 110 lính Mỹ sẽ tham gia hoạt động này. Họ sẽ phải tìm kiếm kỹ lưỡng trên đất liền và dưới nước trong khu vực thiên tai. Ngoài ra, nhiều xác chết có thể bị sóng cuốn trôi xuống biển. Trong trường hợp này, quân đội sẽ không vượt qua ranh giới của khu vực cấm tiếp cận xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, nơi đang diễn ra sự rò rỉ phóng xạ.
 
Hiện vẫn còn hàng nghìn thi thể chưa tìm thấy. Xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima I vẫn còn hàng nghìn xác người chưa được thu nhặt vì nằm trong vùng phóng xạ cao, cấm người lai vãng.
 
Cảnh sát chỉ mới bắt đầu lấy xác nhưng với rất nhiều thận trọng vì các thi thể này bị nhiễm phóng xạ và phải tẩy độc trước khi hỏa táng.
 
Một ngày trước đó, Bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghệ Nhật Bản Banri Kajeda đã đến giám sát khu vực thiên tai. Ông Kajeda sau đó nói với báo chí ở Tokyo rằng các điều kiện làm việc tại nhà máy Fukushima I đã cải thiện, tuy nhiên ông khuyến cáo cũng còn lâu cuộc khủng hoảng mới được giải quyết.
 
Sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại, hôm 10/4, ông Kan đã tỏ ý “lấy làm tiếc” là Tokyo đã không minh bạch hơn trong việc thông tin về nước nhiễm phóng xạ đổ ra biển.
 
Vào lúc tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO) xin lỗi các nước lân cận, tại Jakarta, Ngoại trưởng Nhật Satoru Sato tìm cách trấn an Đông Nam Á về lượng phóng xạ trong nước biển.
 
Còn tại Tokyo, hôm qua, hàng nghìn người đã tuần hành chống năng lượng hạt nhân tại. Những người biểu tình mang biểu ngữ chống hạt nhân tuần hành qua bộ Kinh tế, Thương Mại và Công Nghiệp, là nơi phát triển và kiểm soát năng lượng hạt nhân, và trụ sở của công ty Điện lực Tokyo, công ty điện sở hữu nhà máy Fukushima bị hư hại nặng. Nhưng theo tờ nhật báo của Nhật Yomiuri, không khí của cuộc tuần hành lại giống như hội hè. Hầu hết những người biểu tình trong lứa tuổi 20 hay 30 và có nhạc sống do ban nhạc trình diễn.


Theo Dân trí