(Baonghean) - Thứ Ba, ngày 12/5, Nhật Bản và Philippines bắt đầu cuộc tập trận hải quân lịch sử trên Biển Đông. Trước đó, đã diễn ra cuộc diễn tập chống cướp biển lần đầu tiên giữa các lực lượng tuần duyên hai nước kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng Philippines trong Thế chiến thứ II. Liệu có mối liên hệ nào giữa cái bắt tay ngày càng thắm thiết này và việc cả hai cùng vướng phải tranh chấp biển đảo với Trung Quốc?

Đúng như dự định, hai tàu khu trục Nhật Bản và một trong những tàu chiến mới nhất của Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân lịch sử giữa hai nước trên Biển Đông. Đây là một phần trong thỏa thuận được Nhật Bản và Philippines ký kết hồi tháng 1 vừa qua nhằm tăng cường hợp tác an ninh song phương. Theo đó, cuộc tập trận được tiến hành ở khu vực Vịnh Manila và Vịnh Subic trên Biển Đông, cách bãi đá ngầm Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền, nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi là đảo Hoàng Nham, chỉ chưa đầy 300 km. Trong một tuyên bố trấn an dư luận, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Jesus Millan tuyên bố rằng, cuộc tập trận chung này không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà chỉ nhằm mục đích an ninh, tránh các cuộc chạm trán trên biển, các vụ việc bất ngờ. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, đang có một sự chuẩn bị sẵn sàng từ phía Nhật Bản và Philippines hướng tới một mục tiêu chung là Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Bỏ qua những hiềm khích từ thời Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản và Philippines đang xích lại gần nhau trong bối cảnh hai nước đối phó với các tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Bắc Kinh. Cụ thể, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông và với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trước cuộc tập trận lịch sử lần này, lãnh đạo hai nước thời gian qua cũng có nhiều tuyên bố và động thái ủng hộ lẫn nhau.

Có thể kể đến việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản chính thức lên tiếng ủng hộ Philippines đệ trình bộ hồ sơ dày 4.000 trang lên tòa án của Liên Hợp quốc, kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên một số bãi cát ngầm và đảo san hô thuộc chủ quyền của Manila hồi tháng 4/2014. Tháng 11/2014, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Philippines Albert Del Rosario đã nhất trí về tầm quan trọng của việc áp dụng luật pháp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động hàng hải trong thời gian gần đây. Tổng thống Philippines Aquino cũng nhiệt thành bày tỏ sự ủng hộ đối với các bước đi của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc dỡ bỏ những hạn chế đối với quân đội Nhật Bản để giúp nước này mở rộng vai trò quân sự trong khu vực cũng như trên thế giới. 

Bản đồ phi pháp Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (phải) ở biển Hoa Đông và với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông.

Trong bối cảnh cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày càng căng thẳng, các chuyên gia nhận định Tokyo đang theo đuổi chính sách tăng cường, thắt chặt mối quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines. Cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ tại châu Á, hai quốc gia này hoàn toàn có lý do và lợi ích để tiến tới mối quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, vấn đề lịch sử vẫn là một rào cản đáng ngại cho đến khi xuất hiện mối bận tâm chung là Trung Quốc. 

Trong khi đó với Philippines, các cuộc tập trận với đồng minh Mỹ vẫn diễn ra đều đặn, tuy vậy, vẫn e rằng “nước xa khó cứu được lửa gần”. Vì thế, xích lại và tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản là một lựa chọn thông minh. Qua đây, quân đội Philippines sẽ được huấn luyện và hiện đại hóa các trang thiết bị cần thiết. Vốn bị đánh giá là một trong số những lực lượng yếu nhất khu vực, Philippines chắc chắn gặp bất lợi lớn nếu tranh chấp với Trung Quốc diễn tiến theo chiều hướng giải quyết bằng vũ lực. Khi các nỗ lực kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp biển đảo thông qua đàm phán không có tác dụng thì các động thái hợp tác quân sự như cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Philippines sẽ là lời cảnh cáo mạnh mẽ gửi đến người láng giềng đáng ngại này. 

Phương Hoa