Từ tháng 10 tới, chỉ cần ngồi nhà 'nhấp chuột"'và tốn 50.000 đồng, người dân có thể được cấp phép xây dựng.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến, thuộc thẩm quyền của Sở và UBND các quận huyện, để chính thức áp dụng từ tháng 10.
Chỉ mất 10 ngày
Chị Saphi Ta, ngụ Q.Bình Tân, cho biết chị chuyên đi mua nhà cũ sau đó đập đi xây lại hoặc sửa chữa để bán nên tiếp xúc với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực xây dựng, đô thị “như cơm bữa”.
Nếu trước đây việc đi xin phép xây dựng, gặp cán bộ là một “áp lực” thì nay đã dễ thở hơn rất nhiều nhờ vào việc cấp phép xây dựng trực tuyến.
Chị chỉ cần ngồi nhà mở máy vi tính lên là có thể xin phép xây dựng mà không cần phải lên UBND phường hoặc quận. “Nếu như trước phải lên quận, bốc số thứ tự ngồi chờ, có khi mất cả ngày thì nay có thể ngồi nhà xin phép xây dựng hoặc chỉ cần lên quận 1 lần, tiện lợi rất nhiều. Cụ thể chỉ cần nhấp chuột là có thể xin cấp phép xây dựng với thời gian khoảng 10 phút. Khi nhập các thông tin xong, chỉ cần chờ 10 ngày sau lên lấy kết quả”, chị Saphi Ta cho hay.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến không thành và chuyển sang nộp trực tiếp tại quận như ông Thanh ở Q.8, do điều chỉnh bản vẽ hiện trạng nhiều lần nên ông đã trực tiếp đến bộ phận một cửa mới được cấp phép xây dựng. Theo ông Thanh, cấp phép xây dựng trực tuyến chỉ phù hợp với những hồ sơ đã chuẩn, không bị chỉnh sửa, bổ sung; còn với những hồ sơ sai sót về bản vẽ, giấy tờ thì người dân vẫn phải lên gặp cán bộ tiếp nhận hồ sơ để chỉnh sửa, còn mất nhiều thời gian hơn.
Một lãnh đạo UBND Q.8, địa phương thí điểm cấp phép xây dựng trực tuyến đầu tiên của TP, cho hay người dân chỉ cần vào website của quận, trên đó có mục nộp hồ sơ xin phép xây dựng trực tuyến. Sau khi nộp xong, bộ hồ sơ sẽ được cán bộ chuyên môn kiểm tra, tiếp nhận và trả lời đầy đủ, hợp lệ vào email hoặc điện thoại của người nộp hồ sơ (chủ đầu tư) trong vòng 24 giờ.
Thời gian thực hiện thụ lý tính từ thời điểm trả lời rằng hồ sơ nộp trực tuyến là hợp lệ và đầy đủ giấy tờ đi kèm. Người dân muốn kiểm tra tình trạng hồ sơ của mình có thể vào mục “tra cứu hồ sơ”.
Trong trường hợp hồ sơ vướng vấn đề pháp lý (thửa đất thuộc quy hoạch, nhà đất đang bị tranh chấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hợp pháp, bản vẽ thiết kế không phù hợp tiêu chuẩn thiết kế/quy hoạch...), người nộp hồ sơ sẽ nhận được thông báo email, tin nhắn hoặc điện thoại từ cơ quan chức năng. Khi đó, người nộp hồ sơ thực hiện nộp bổ sung hoặc hiệu chỉnh hồ sơ tại mục “tra cứu hồ sơ”. Khi hồ sơ đã chuẩn, người dân có thể nhận giấy phép qua bưu điện hoặc tới bộ phận một cửa của đơn vị tiếp nhận để nhận kết quả.
Bắt buộc triển khai
Tiện lợi và nhanh gọn là vậy nhưng lãnh đạo UBND Q.8 cho biết người dân vẫn chưa quen, chưa “mặn mà” với cách cấp phép xây dựng mới này.
Từ khi triển khai dịch vụ cấp phép trực tuyến từ tháng 8.2016 đến nay, chỉ có 150/1.600 giấy phép xây dựng được cấp bằng hình thức nộp trực tuyến. Nguyên nhân lớn nhất là bản vẽ hiện trạng. Các công ty đo vẽ thường vẽ không đúng, sai sót thông tin về tầng cao, khoảng lùi... dẫn đến việc bản vẽ phải sửa lại. Nhưng hướng dẫn cho người dân điều chỉnh trực tuyến rất khó nên cũng phải gọi họ lên hướng dẫn trực tiếp. Do đó, để yên tâm, người dân vẫn mang hồ sơ lên quận nộp trực tiếp.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, cho biết đây là một trong những dịch vụ công trực tuyến phù hợp xu thế chính phủ điện tử và đô thị thông minh, cũng là quá trình chuẩn bị để đáp ứng xu thế dịch vụ công trong tương lai.
Dịch vụ công này đem lại nhiều tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý, trong đó ưu việt nhất là tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực. Trước thông tin số giấy phép được cấp trực tuyến vẫn còn quá ít, ông Tuấn cho rằng vấn đề này có liên quan đến các thông tin quy hoạch hiện chưa công khai khiến người dân, đơn vị tư vấn thiết kế vẫn chưa tiếp cận được, dẫn đến sai sót trong bản vẽ hiện trạng khi đi xin phép xây dựng. Thời gian tới TP sẽ có quy định chế tài đối với các đơn vị tư vấn thiết kế. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản vẽ của mình, nếu để xảy ra sai sót gây thiệt hại cho người dân.
Theo Báo Thanh niên