(Baonghean) - Làng có nghề nhưng không có nguyên liệu để sản xuất và để giữ nghề - đó là thực trạng đặt ra nhiều trăn trở cho chính quyền địa phương và những người làm công tác quản lý, bảo tồn nghề đan lát truyền thống ở bản Na Nhắng (Tiền Phong, Quế Phong).

Phơi thành phẩm sau khi đan.
Phơi thành phẩm sau khi đan.

Từ trung tâm Thị trấn Kim Sơn, ngược ra khoảng 6, 7 km là đến địa phận xã Tiền Phong. Đây hãy còn là một xã nghèo của huyện, điều ấy hiển hiện rõ rệt trên những mái nhà sàn liêu xiêu, những con đường nội bản mà chiến dịch bê tông hóa nông thôn mới còn chưa vươn đến. Ông Nguyễn Đình Kiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “55 hộ dân bản Na Nhắng là dân tộc Khơ Mú, vốn gốc là người các xã vùng cao Tri Lễ, Nậm Nhoóng, di dân, tái định cư về đây. Hơn 20 năm từ ngày bà con về đây sinh sống, đảng ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để bà con quen với nơi ở và phương thức canh tác mới; khuyến khích giữ nghề đan lát truyền thống để tăng thu nhập”.

Dẫu nghề đan lát không phải chỉ đồng bào Khơ Mú ở Na Nhắng mới làm, nhưng kỹ thuật đan lát của đồng bào đã nức tiếng từ lâu. Những kỹ thuật đan như đan xâu xiên, đan lóng đôi, đan lóng ba… kết hợp với vài bí quyết gia truyền về cách chọn mây, cách phơi mây đến độ nào là vừa, sự hài hòa giữa nhiều kỹ thuật đan với nhau để tạo ra thành phẩm đặc sắc... thì dường như tay nghề của dân bản Na Nhắng chưa nơi nào qua được. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào đã được chọn đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, mới đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An vừa ký Quyết định số 4459/QĐ-UBND-CNTM ngày 12/9/2014 về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2014, trong đó, có sản phẩm mâm mây của làng có nghề Na Nhắng. Đó là niềm tự hào với bà con dân bản, đồng thời cũng là sự trăn trở, lo âu khi làng có nghề đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Kiệm không giấu được lo lắng: “Làng có nghề không còn thời kỳ đỉnh cao như trước nữa. Sản phẩm làm ra ngày càng ít, thu nhập của bà con giảm đi. Hiện nay, bản đang đứng trước nguy cơ mất nghề vì nguyên liệu khan hiếm!”.

Ông Moong Văn Khắm - Trưởng bản Na Nhắng, năm nay 52 tuổi, trầm ngâm: “Đàn ông, đàn bà người Khơ Mú ai cũng biết đan lát, đến đứa trẻ nhỏ cũng biết chọn sợi mây thế nào cho chắc, cho đẹp. Sản phẩm làm ra rất đa dạng: chiếc gùi, chiếc ghế, chiếc nôi, đặc biệt là mâm mây. Nhưng đã một tuần nay, trong bản không có nhà nào đan lát cả. Vì không có mây, đi tìm nguyên liệu khó quá”. Bản Na Nhắng ở xa rừng, mà sinh kế của bà con Khơ Mú bao đời nay vẫn chưa thoát khỏi rừng. Từ Na Nhắng, phải đi bộ hơn nửa ngày mới đến được rừng Nậm Niềng. Trước, rừng Nậm Niềng cơ man lâm sản; càng ngày, với cách khai thác tận thu khiến cho cánh rừng không còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho nghề đan lát nữa. Cây mây nếp dẻo dai, óng mượt, thân to càng ngày càng ít đi, bà con chặt đến cả những thân cây non chưa đủ tuổi, rồi cả cây non cũng hết. “Cây không mọc kịp cho người khai thác”- Ông Moong Văn Khắm thật tình nói.

Tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho nghề đan lát ở bản Na Nhắng diễn ra từ nhiều năm nay. Với mục tiêu giữ nghề truyền thống, đảng ủy, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đáng chú ý là vào năm 2011, UBND xã Tiền Phong đã thí điểm cung cấp hơn 2.000 cây mây nếp giống cho 6 hộ dân trồng và chăm sóc. Mô hình thí điểm này được hy vọng là hướng đột phá, giải quyết tình trạng phụ thuộc nguyên liệu từ rừng của bà con. Thế nhưng, thời điểm chúng tôi đến, trong vườn nhà của các hộ dân gần như đã không có một cây mây nếp trưởng thành nào. Ông Moong Văn Khắm là một trong những gia đình được nhận hơn 300 gốc giống từ chương trình trồng nguyên liệu thí điểm của xã. Ông dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà, chỉ tay vào bụi mây cằn cỗi, phân trần: “Mây nếp là cây của rừng, nên sống đất vườn nhà không hợp. Cứ lụi dần, hoặc không vươn dài ra được. Hơn 300 gốc giống giờ chỉ còn sót lại một bụi thế này. Không chỉ vườn nhà tôi, mà vườn nhà ai cũng thế cả!”.

Không chủ động được nguyên liệu, thay vì không khí nhộn nhịp của một làng có nghề truyền thống, sản phẩm được thị trường đón nhận, là không gian vắng lặng của bản làng. Trẻ em đi học, người lớn thi thoảng ra thăm đồng, nuôi dăm con gà, con lợn thả vườn; thời gian nông nhàn còn lại, bà con Khơ Mú bản Na Nhắng nhẫn nại ngồi tựa cửa chờ đợi. “Chờ nửa tháng, một tháng, cây mây trong rừng nó lớn hơn một chút, để vào rừng cắt mây đan vài cái ghế, cái gùi. Chứ mâm mây thì có lẽ không có đủ mà đan đâu!”- bà Cụt Thị Tuyết chia sẻ. Gia đình bà Tuyết được bà con đánh giá là gia đình có nghề đan đẹp và tinh xảo nhất Na Nhắng này. Thời kỳ thịnh vượng, mỗi ngày, hai vợ chồng bà đan được từ 2 - 4 chiếc ghế mây nhỏ, vài ngày lại hoàn thiện xong một chiếc mâm mây, chịu khó gùi ra chợ Thị trấn Kim Sơn bán, cũng đủ tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Ai cũng chuộng các sản phẩm đan lát của đồng bào Na Nhắng, bởi độ bền hàng chục năm, không mối mọt, tính thẩm mỹ cao. Bà Tuyết tâm sự: “Khi tái định cư về đây, mỗi khẩu chỉ có 1,3 a ruộng. Ruộng ít, nên bà con ta phát huy nghề phụ là đan lát để cải thiện đời sống. Mấy năm trước, mỗi ngày gia đình bán được từ 2 - 3 đôi ghế, hoặc 1 chiếc mâm mây, vài chiếc gùi… thu nhập khoảng 170 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng mỗi ngày”.

Con số ấy với bà con dân bản là thu nhập đáng mơ ước. Việc thiếu nguyên liệu sản xuất khiến bà con Na Nhắng thấp thỏm trước hai khó khăn lớn: một là không tiếp nối được nghề truyền thống và hai là mất đi nguồn thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Mong ước lớn nhất của bà con dân bản, là giờ đây, có một mô hình trồng cây mây nếp được đầu tư bài bản, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và cải thiện chất đất phù hợp với giống cây, tạo ra sự chủ động về nguyên liệu. Đó là lối mở để làng nghề Na Nhắng phát triển bền vững.

Phương Chi