(Baonghean) - Xã Nhân Thành là vùng đất sét đặc và là xã thấp nhất thuộc vùng chiêm trũng Yên Thành. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, bởi vậy ngoài khó khăn về mưu sinh, họ còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Khi chưa có công trình nước sạch, các hộ dân phải sử dụng nước giếng đào lọc ngang, lấy nước từ kênh mương tưới tiêu hoặc nước từ các ao, đầm để sử dụng cho ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt hàng ngày. Bởi vậy, khi mùa khô hạn, người dân chỉ trông chờ vào nguồn nước tưới từ hệ thống nông giang chảy từ huyện Đô Lương về, nếu nguồn này không mở, cả xã hầu như phải chịu khát. Về mùa mưa, Nhân Thành là cái rốn đựng nước, nước từ các nơi đổ về mang theo bùn rác gây ngập úng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Chính vì vậy Nhân Thành là địa phương có số người mắc bệnh liên quan đến nước sinh hoạt và vệ sinh chiếm tỷ lệ khá cao so với toàn huyện.

775211_small_73785.jpg

                                 Công trình cấp nước Nhân Thành

Có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt là nhu cầu bức thiết và là nguyện vọng thiết tha của người dân nơi đây. Khi có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch, hầu hết các hộ đều đăng ký tham gia, mặc dù cuộc sống còn khốn khó, thu nhập chưa đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày, trong khi mức đóng góp của từng hộ tương đối cao. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân và sự góp sức của ông Phan Văn Quý - Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương, một người con quê hương Nhân Thành xa quê, sau hơn 1 năm xây dựng công trình nhà máy nước sạch đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chúng tôi vào thăm gia đình ông Bùi Văn Chung ở xóm 8, ngôi nhà cấp 4 bình thường, nhưng các công trình cấp nước và vệ sinh vừa mới được cải tạo nâng cấp khá bài bản, có bể trữ nước đặt trên nóc nhà tắm, công trình vệ sinh tự hoại. Một cháu gái khoảng 10 tuổi đang đứng vặn vòi lấy nước rửa mặt. Nhìn dòng nước trong veo, tôi hỏi anh Chung cảm nhận về công trình nước sạch, anh chỉ cho tôi cái ao chuôm trước nhà, nơi đàn vịt đang bơi và còn sót lại một vài đường ống lấy nước của các gia đình chưa kịp tháo dỡ, anh nói: "Trước đây, cả xóm tôi đều lấy nước tại ao đầm này để sử dụng ăn uống và sinh hoạt, chuyện bị mẩn ngứa, mụn nhọt, đau mắt đỏ là thường xuyên, chỉ thương cho các cháu nhỏ ốm đau phải nghỉ học nhiều, từ ngày có công trình nước sạch, các cháu sạch sẽ và đỡ hẳn bệnh tật, đi học chuyên cần, thực sự là công trình đổi đời".


Mới qua 1 năm hoạt động, nhưng công trình đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân xã Nhân Thành, nỗi lo thiếu nước, nỗi lo bệnh tật không còn canh cánh với người dân nơi đây. Hơn 90% hộ trong xã được cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia với giá nước chỉ 4000 đồng /m3.


Để công trình hoạt động bền vững, xã đã thành lập ban quản lý và tổ vận hành, xây dựng quy chế làm việc của nhà máy và các quy định về quản lý, bảo vệ công trình và được thảo luận thống nhất qua các cuộc họp thôn. Ông chủ tịch xã cho biết, để đảm bảo tính hợp lý, sắp tới xã sẽ chuyển giao cho hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Với chủ trương đúng của chính quyền địa phương và lòng dân đã thuận, tôi nghĩ, chắc chắn công trình sẽ phát huy hiệu quả, bền vững. Từ đây, người dân Nhân Thành không còn phải lo cảnh thiếu nước sinh hoạt.


Công trình nhà máy nước Nhân Thành được khởi công xây dựng đầu năm 2010 và hoàn thành vào cuối năm, công suất thiết kế 1.500 m3/ngày đêm, đủ cung cấp nước cho hơn 5000 người với lưu lượng 80 lít/người/ngày. Tổng chi phí xây dựng là 19,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT hỗ trợ là 11 tỷ đồng, ông Phan Văn Quý hỗ trợ là 4,7 tỷ đồng, dân và địa phương đóng góp 4,1 tỷ đồng. Hiện tại, nhà máy đang cung cấp nước cho 1.750 hộ với hơn 5.500 người, học sinh 2 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, trụ sở chính quyền và trạm y tế xã.


Nguyễn Ích Xuân