"Chúng ta phải tính lại thời gian tổ chức Đại hội Đảng và thời điểm họp Quốc hội để không xảy ra cảnh tháng 3 bầu nhân sự đến tháng 7 lại bầu lại nhân sự rồi lại tuyên thệ. Gần nhau quá như vậy mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó", ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội góp ý.
Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và Tờ trình chuẩn bị kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.
Theo chương trình dự kiến nội dung và thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc khoảng 15 ngày và 1 ngày dự phòng, trong đó có 1 ngày thứ bảy; Phiên khai mạc tiến hành vào sáng thứ tư, ngày 20/7/2016 và dự kiến phiên bế mạc vào thứ ba, ngày 9/8/2016.
Mở đầu kỳ họp Quốc hội sẽ nghe phát biểu của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tiếp đến, Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Quốc hội sẽ dành khoảng 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước. Trong đó sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội;
Tiếp đến Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;
Góp ý vào công tác nhân sự, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Ở kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII làm đổi mới, đồng bộ toàn diện.
"Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa sau. Chúng ta phải tính lại thời gian tổ chức Đại hội Đảng và thời điểm họp Quốc hội để không xảy ra cảnh tháng 3 bầu nhân sự đến tháng 7 lại bầu lại nhân sự rồi lại tuyên thệ. Gần nhau quá như vậy mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó" - ông Hà Ngọc Chiến góp ý.
Nói về việc các chức danh sau khi được Quốc hội bầu thực hiện nghi thức tuyên thệ, ông Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Việc tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi người trước nhân dân. Tuy nhiên việc thực hiện nghi thức này chưa chặt chẽ.
"Những người tuyên thệ rất nghiêm túc trong khi đó Đoàn Chủ tịch, ĐBQH vẫn ngồi, như thế chưa phải nghiêm túc toàn bộ. Lần sau nếu thực hiện nghi thức tuyên thệ thì từ Đoàn Chủ tịch đến các ĐBQH đều phải đứng lên. Tuyên thệ xong mới ngồi xuống, như thế mới đảm bảo nghiêm trang" - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ góp ý.
Theo Dân Việt