Đây là bước đi thận trọng tiếp theo Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho khóa mới.
Nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch
Theo dõi những diễn biến gần đây với những biện pháp vừa dài hơi, vừa cấp bách, ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) khẳng định, ở đâu cũng vậy, từ cấp xã đến Trung ương, vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất là chọn ra đội ngũ cán bộ xứng đáng.
Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương đã có bước chuẩn bị, từng kỳ họp đều chuẩn bị, sửa lại các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, càng về sau tiêu chuẩn của từng lớp cán bộ lại càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào.
“Nếu như con người tâm sáng, trí minh thì mới chọn được người xứng đáng, nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy” – ông Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Cùng chung ý kiến, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng, trong các khâu của công tác cán bộ, thì đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế đã cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, khen thưởng, kỷ luật... cán bộ được khách quan, chính xác. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.
“Phải nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự. Sau bước giới thiệu nhân sự, những người làm tổ chức phải đi thẩm tra xác minh về người được giới thiệu. Cũng từ đây, yêu cầu những người được tuyển chọn phải khai báo đầy đủ, kê khai tài sản… để xem tính trung thực, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu” – ông Vũ Quốc Hùng nói và nhấn mạnh các ý kiến thẩm tra, lấy phiếu tín nhiệm để sàng lọc cán bộ phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng.
Để lựa chọn đúng và trúng cán bộ, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những người làm công tác nhân sự phải là những người có tâm, có tầm, trong sáng, vô tư, đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết. Đồng thời, những người này phải có năng lực trình độ để đánh giá con người, đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.
Để chấn chỉnh và xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì những người làm công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm mọi việc đều xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại.
“Đối với những cán bộ được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức phục vụ nhân dân” - ông Vũ Quốc Hùng nói.
Người tiến cử phải chịu trách nhiệm
Ngoài việc đánh giá cán bộ thì việc sàng lọc cán bộ cũng là việc làm không hề đơn giản. Ông Dương Quang Phái - nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, người sàng lọc phải là người trong sạch, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Người đứng đầu mà không trong sạch thì thành “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” khó lọc được, đặc biệt, là vấn đề công khai minh bạch trong công tác nhân sự.
“Cứ công khai cho dân lựa chọn. Bây giờ nếu nói anh nào “bôi nhọ” thì thẩm tra, xác minh, xem tin đó có đúng không, tố cáo đúng không? Chúng ta có bộ máy sàng lọc, đừng bí mật trong nội bộ của Đảng. Muốn sàng lọc được phải có các tổ chức chính trị xã hội tham gia và nhân dân tham gia sàng lọc thì mới hy vọng có bộ máy tốt” - ông Dương Quang Phái cho biết.
Trong công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, một trong những điều quan trọng là ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm cá nhân của người đề cử, tiến cử. Ai là người chịu trách nhiệm trong tiến cử? Một tập thể, không phải đồng loạt tất cả giơ tay giới thiệu một người mà phải có một người đề xuất, khởi xướng đầu tiên, thì người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử của mình. Người tiến cử phải chịu trách nhiệm, phải biết rõ, không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ để đổ lỗi cho tập thể. Vấn đề là làm sao phải tách ra được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, những người làm tốt công tác cán bộ, giới thiệu đúng người thì phải được hoan nghênh, tôn trọng. Người nào giới thiệu không đúng, không trúng cán bộ thì phải nhắc nhở, thậm chí quy trách nhiệm, động cơ gì giới thiêu? Nhóm lợi ích gì?
“Việc chuẩn bị cho Đại hội của cấp cơ sở, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng là vấn đề cấp bách, cần làm ngay, nhưng nhìn lâu dài mà nói, những vấn đề đó trong công tác xây dựng Đảng phải được nghiên cứu, được tổng kết đầy đủ để làm bài học cho các lớp người mai sau. Theo tôi những điều đó cần quy định trong đảng, cao nhất trong Đảng là điều lệ Đảng”- ông Vũ Mão nhấn mạnh.