(Baonghean) - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Thực tiễn tại 3 xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa), Phúc Thành (Yên Thành) đã nổi lên những cách làm hay, sáng tạo cần được nhân rộng.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
 
Là  1 trong 14 xã đăng ký phấn đấu đạt đủ 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014, hiện Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) đã đạt được 16/19 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí khó như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và thủy lợi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 18 triệu đồng/năm. Hơn 32 km kênh mương do xã quản lý đã được kiên cố hóa. 100% hộ sử dụng điện thường xuyên với hệ thống điện gồm 8 trạm biến áp 25 km đường dây hạ thế 3 pha và tất cả 4 trường học trên địa bàn xã đều đã đạt chuẩn quốc gia... Có được kết quả đó, một trong nguyên nhân chính là trong 3 năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ. Xã xác định, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội để xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, để không một ai đứng ngoài cuộc, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng thụ”. 
images984542_anh_3__1_.jpgMô hình trồng ớt xuất khẩu tại xã Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hòa.
 
Đảng ủy xã ban hành nghị quyết, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và trên cơ sở các nhiệm vụ của mình, các tổ chức đoàn thể đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết. Uỷ ban MTTQ thực hiện công tác tuyên truyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa. Hội nông dân chịu trách nhiệm vận động hội viên đi đầu trong xây dựng các mô hình kinh tế, vệ sinh môi trường. Đoàn thanh niên đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp và bảo vệ an ninh trật tự của xã. Ông Trần Văn Trung, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, vì thế, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định xây dựng nông thôn mới phải do người dân là chủ thể,  huy động nội lực từ xã hội hoá là chính và Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ thì công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ thành công bền vững. Từ đó khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhờ đó trong 3 năm qua, xã đã huy động được gần 38 tỷ đồng nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. 
 
Cũng như Nghĩa Đồng, những kết quả mà xã Phúc Thành (Yên Thành) đạt được đến thời điểm này là sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị và người dân trong suốt 3 năm qua. Vốn là xã thuần nông, địa hình giao thông trải dài, sản xuất của người dân còn manh mún, đời sống kinh tế còn khó khăn nên công tác huy động nguồn lực của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới là hết sức khó khăn. Nhưng xác định, xây dựng nông thôn mới bằng sức mạnh nội lực là chính, Phúc Thành đã có những cách làm hay để người đồng dân thuận cao và chủ động trong việc xây dựng NTM. Trước tiên, bằng việc ban hành các nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã huy động tất cả hệ thống chính trị cơ sở từ xã đến xóm bằng những chương trình hành động cụ thể.
 
Như Hội cựu chiến binh thì đi đầu trong việc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thôn nông thôn, Hợp tác xã đảm nhiệm tiêu chí thủy lợi, Hội nông dân vận động hội viên tham gia xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập, Hội Phụ nữ phụ trách vấn đề môi trường... Nhờ đó, các tổ chức, đoàn thể đã bám sát và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ông Nguyễn Trọng Nuôi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Xác định nhiệm vụ chính trị của mình, trong thời gian qua, hội đã phân công cho các hội viên tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Cứ mỗi hội viên có nhiệm vụ giúp đỡ 2-3 hộ gần nhà để người dân tham gia đóng góp, hiến đất làm đường và xây dựng các tiêu chí khác. 
 
Phát triển kinh tế hộ
 
Xác định mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, tại nhiều địa phương đã đề ra những chủ trương, chính sách khuyến khích người dân xây dựng mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập. Tại xã Nghĩa Mỹ (Thị xã Thái Hòa), một trong những tiêu chí mà chính quyền xã đang rất lo lắng đó là tiêu chí hộ nghèo. Để phấn đấu đạt được tiêu chí này, trong 3 năm qua, xã đã tiến hành phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các ngành của thị xã mở 8 lớp học nghề trồng rau sạch, 4 lớp học nghề nuôi ong, nuôi gà thịt, làm nấm, chăn nuôi thú y... để người dân có điều kiện học tập và áp dụng vào gia đình mình.
 
Hiện trên địa bàn xã đã bước đầu hình thành được một số nghề mới như nghề nuôi ong lấy mật, nghề chăn nuôi gà thịt theo hình thức công nghiệp, nghề chăn nuôi dê, bò sinh sản và một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng măng tây xanh, trồng ớt cay xuất khẩu tại cánh đồng Làng Cộ, trồng nấm sò, nấm linh chi...  Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mục tiêu của xã là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,58% xuống dưới 5% trong năm 2014. Bên cạnh đưa các mô hình, nghề mới vào thì xã sẽ rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đối với những hộ có sức lao động, có điều kiện sản xuất chăn nuôi để sản xuất có hiệu quả.
 
Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân để đạt tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất), trong 3 năm qua, xã Phúc Thành đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất để nhân dân tham gia học tập. Là xã thuần nông, chủ yếu dựa vào cây lúa nên xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa lai F1 và nhiều mô hình trình diễn khác. Ngoài ra, xã còn xây dựng mô hình sản xuất dược liệu trên diện tích 1 ha, và mô hình lúa thâm canh cải tiến (SRI) với diện tích 50 ha. Để tạo đà cho việc xây dựng mô hình, trước đó xã đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi ruộng đất với tiêu chí mỗi xóm một vùng, mỗi hộ một thửa. Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh phát triển hình thức sản xuất bằng việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho 2 làng nghề tăm hương và 1 HTX hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho  hàng trăm lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập. Ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Muốn huy động được sức dân thì trước hết phải nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì thế, xã đã tích cực sử dụng nguồn vốn để thực hiện 2 tiêu chí này. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Năm 2011 đạt 17,4 triệu đồng, sang năm 2012 tăng lên 20,9 triệu đồng và đến năm 2013 đã đạt 24,65 triệu đồng/người/năm. 
 
Cũng cùng mục đích là nâng cao thu nhập cho người dân nhưng xã Nghĩa Đồng chọn hướng đi khác là nâng cao công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp để qua đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Xã đã quy hoạch 350 ha đất bạc màu sang trồng mía và 100 ha đất gia trại trồng cỏ kết hợp chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Bên cạnh đó, xã còn quy hoạch 3 vùng chuyên canh lớn gồm 70 ha trồng dâu nuôi tằm, 100 ha trồng ngô và 350 ha đất trồng lúa để ổn định lương thực. Cùng với quy hoạch đất, Ban chỉ đạo xã triển khai các đề án kinh tế để vận động nhân dân tham gia. Nhờ đó, hiệu quả sử dụng đất nông nghiêp không ngừng tăng cao, từ 45 triệu đồng/ha năm 2010 tăng lên 72 triệu đồng/ha năm 2013. Thu nhập của người dân được nâng lên, năm 2013 đạt 18 triệu đồng/người/năm.
 
Ông Võ Duy Hiển, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: Xác định nhân dân là chủ thể của xây dựng nông thôn mới, xã đã chủ động và tích cực xây dựng đề án, ban hành các chủ trương, chính sách để hỗ trợ nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Nhờ đó mà qua 3 năm, bộ mặt nông thôn tại xã Nghĩa Đồng đã thay đổi rõ nét, ngoài hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá... thì đời sống của người dân đã khấm khá hơn nhiều. Người dân tin tưởng, hào hứng để tiếp tục tham gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí trong năm 2014.
 
Có thể nói, những kết quả mà 3 xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Mỹ, Phúc Thành đạt được, ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp thì cái chính là nội lực của người dân. Đó là những cách làm hay, sáng tạo cần được phát huy, nhân rộng.
 
Bài, ảnh: Phạm Bằng