(Baonghean) - Bước vào năm học mới, các trường học bận rộn với nhiều nhiệm vụ, trong đó, việc tổ chức sân chơi cho học sinh là một trong những công việc quan trọng. Mô hình đưa trò chơi dân gian vào trường học là một cách làm thiết thực cần nhân rộng.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, máy vi tính với nhiều trò chơi cuốn hút cám dỗ, lôi cuốn các em lứa tuổi học trò, trong đó, có nhiều trò chơi mang tính bạo lực,thiếu tính nhân văn. Còn các trò chơi dân gian với ưu thế là hoạt động vui chơi ngoài trời khá lành mạnh. Thế nhưng, do chưa được quan tâm đúng mức nhiều trò chơi đã bị mai một và ngày càng ít xuất hiện trong trường học. 

Trên thực tế, trò chơi dân gian ngoài tác dụng rèn luyện sức khỏe, còn rèn luyện cho các em kỹ năng xử lý các tình huống khác nhau trong cuộc sống, hình thành thói quen làm việc theo nhóm, nhất là các trò chơi vận động tập thể, như: Nhảy sạp, kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò... có thể giúp học sinh tăng cường sức khỏe, thể chất... Hoặc các trò chơi ít vận động nhưng có tính trí tuệ như: cờ vua, ô ăn quan, cờ gánh... lại giúp trẻ em phát triển trí tuệ và khả năng phán đoán. Trò chơi dân gian còn có ưu điểm là dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Tiến (TX. Thái Hòa) chơi trò ô ăn quan.
Học sinh Trường Tiểu học Quang Tiến (TX. Thái Hòa) chơi trò ô ăn quan.

Với chủ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2008 - 2009 đến nay, một số trường học trên địa bàn Thị xã Thái Hòa đã cho học sinh làm quen với trò chơi dân gian ở những mức độ khác nhau. Đa số các trường tổ chức cho học sinh chơi trong các giờ ra chơi, giờ thể dục, ngoại khóa, các ngày lễ kỷ niệm, khai giảng, tổng kết năm học... Em Đặng Hạnh Nhi, Trường Tiểu học Quang Tiến cho biết: Em rất thích những trò chơi dân gian, chơi trò chơi dân gian đem lại cho chúng em sự thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Dù hình thức tổ chức khác nhau nhưng có một điểm chung là phần lớn học sinh đều tỏ ra hào hứng với các trò chơi dân gian, nhất là đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, THCS. Cô Phạm Thị Hồng Lưu, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Quang Tiến cho biết: “Sau một thời gian thử nghiệm, trò chơi dân gian ngày càng thu hút đông đảo các em  tham gia. Công tác Đội của chúng tôi nhờ thế cũng sôi nổi hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy những buổi ngoại khóa như thế này để giúp các em thư giãn sau mỗi giờ học”.

Một trong những ưu điểm của trò chơi dân gian rất phù hợp với môi trường sư phạm và phần lớn không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ chơi. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, một số trường học trên địa bàn Thị xã Thái Hòa hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường. Cụ thể, không gian, thời gian, cách thức tổ chức các trò chơi để các em vừa vui tươi lành mạnh vừa đảm bảo an toàn là điều cả phụ huynh và nhà trường rất trăn trở. Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trò chơi dân gian vào các trường học, thiết nghĩ, các trường cần sưu tầm các trò chơi dân gian và phổ biến cho học sinh thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cần tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học để truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi. Các trò chơi được lựa chọn áp dụng trong thực tế cần phải đảm bảo các tiêu chí cần thiết do những người có chuyên môn thẩm định như: an toàn, tiết kiệm, phù hợp sức khỏe của học sinh, có ý nghĩa giáo dục. Hàng năm, có thể tổ chức các cuộc vận động, phong trào sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi chơi các trò chơi dân gian giữa các trường, tạo không khí vui tươi và để ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú. 

Để duy trì được việc thường xuyên tổ chức những trò chơi dân gian, các trường cần bố trí những khoảng không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa, thể dục, ngoài giờ lên lớp. Các tổ chức Đoàn, Đội ở các trường học phải tiên phong, sáng tạo trong việc định hướng, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh. Việc phổ biến, nhân rộng các trò chơi dân gian vào các trường học là một cách làm hay, giúp học sinh có thêm không gian, thời gian vui chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời giúp nhà trường thực hiện hiệu quả chủ trương “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, tăng cường sự gắn bó của giới trẻ với với quê hương, đất nước.

Hoàng Thủy

  (Ban Tuyên giáo Thị ủy Thái Hòa)