(Baonghean.vn) - Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI lần đầu tiên được triển khai ở 1 xã ở Tân Kỳ nay đã nhân rộng lên 4 xã và đang nhận được sự hưởng ứng của bà con.

Tại địa bàn xã Tân An, huyện Tân Kỳ, gia đình ông Trần Văn Bình ở xóm Thanh Phúc, xã Tân An đã được tập huấn hướng dẫn quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, nên vụ xuân 2016 gia đình ông thu hoạch lúa đạt năng suất cao hơn hẳn vụ trước.

Ông Bình cho hay, qua thực hiện mô hình đã thấy có nhiều cái lợi như giống, công lao động, năng suất từ 3,5 tạ - 4 tạ/sào cao hơn so với ruộng không áp dụng mô hình.

Bà Trần Thị Nga ở xóm Thanh Phúc, xã Tân An chia sẻ: “Từ hướng dẫn khâu làm đất đến việc gieo cấy, cán bộ kỹ thuật luôn đồng hành cùng bà con, nên chúng tôi áp dụng dễ dàng, giờ đã thành thạo”.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ hướng dẫn cách chăm sóc lúa giai đoạn trổ bông. Ảnh: Cẩm Tú

Cũng giống như các mô hình trình diễn khác, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI chỉ được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng trong 1 vụ sản xuất, và chỉ có ít hộ tham gia nên khi kết thúc mô hình địa phương gặp khó khăn trong việc nhân ra diện rộng.

Bởi do thói quen canh tác truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, và triển khai trong thời gian ngắn, nên chưa nắm vững quy trình, chưa tin tưởng vào phương thức sản xuất mới.

Từ thực tế đó, sau khi kết thúc mô hình của cấp trên hỗ trợ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ đã tự nguyện tiếp tục đảm nhận hỗ trợ bà con không chỉ những hộ trong diện mô hình mà cả những hộ dân khác có nhu cầu áp dụng để nhân ra diện rộng.

Theo ông Vũ Đức Dũng - Phó trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tân Kỳ, từ việc đảm nhận xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật luôn gần dân, giải thích những khó khăn vướng mắc trong sản xuất cho bà con; chọn những người sản xuất giỏi để họ tuyên truyền cho hội viên khác thực hiện.

Với phương châm khoa học kiên trì, tận tâm, trách nhiệm, 2 năm qua cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân từ cấy dày sang áp dụng cấy thưa, chỉ cấy 1 dảnh, cấy mạ non nên giảm được 67% lượng giống.

Cùng đó, quy trình bón phân đúng giai đoạn nên giảm được 40% lượng phân bón, giảm nguồn nước tưới mà cây lúa vẫn phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ, kháng sâu bệnh nên hạn chế tối đa phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo nguồn nông sản sạch.

Qua thực tế sản xuất, ruộng áp dụng phương pháp SRI cho giá trị kinh tế tăng 375.000 đồng/ sào/vụ, tương đương 7,5 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Từ mô hình ban đầu chỉ có 300m2, đến nay đã nhân rộng tại 4 xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ông Đặng Thọ Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, huyện đang phấn đấu nhân rộng 100% diện tích thâm canh lúa cải tiến SRI; nếu thành công, mỗi năm sẽ tăng thêm doanh thu hơn 64 tỷ đồng”.

Cùng với hỗ trợ về mặt kiến thức khoa học kỹ thuật, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ còn phối hợp với cơ quan chức năng cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng và ký cam kết bao tiêu nông sản cho bà con. Từ đó đã tạo được niềm tin, sự an tâm cho bà con nông dân trong sản xuất.

              Cẩm Tú 

TIN LIÊN QUAN