Cần phải khẳng định mạnh mẽ rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là do Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện tốt đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên hiệp mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt tôn giáo, xu hướng đảng phái chính trị, giai cấp, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của đế quốc, thực dân gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc.
Dù cách thể hiện trong từng giai đoạn có khác nhau nhưng ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định rất rõ nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc, thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước. Mục tiêu mà Đảng ta xác định cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam. Chính sự thống nhất giữa mục tiêu của Đảng và khát vọng của nhân dân đã trở thành sợi dây kết nối cả dân tộc Việt Nam đoàn kết lại với nhau. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán và đặt nội dung ấy vào nhiệm vụ trung tâm của cách mạng. Không thể phủ nhận rằng, từ năm 1930 đến 1945, Việt Minh và Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có nhiều chủ trương, đường lối, giải pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp để lãnh đạo toàn dân kết thành một khối thống nhất đứng lên đấu tranh giành thắng lợi.
Đặc biệt, trước những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn, mau lẹ có lợi cho cách mạng Việt Nam của tình hình thế giới, tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh để quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nghị quyết Hội nghị đã chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa, trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đó, vấn đề đặt ra là phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng, mọi giai tầng trong xã hội vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Để giải quyết vấn đề này, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời. Trong tuyên bố của mình, Việt Minh đã chỉ rõ: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn". Bằng những chủ trương đúng đắn, sáng tạo chỉ trong thời gian ngắn bằng vai trò quy tụ, tập hợp của Mặt trận Việt Minh, mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội đã phát huy cao độ tinh thần cố kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh anh dũng, quật cường của toàn dân tộc để góp phần vào thành công của cuộc cách mạng.
Mặt khác, ngược dòng lịch sử chúng ta thấy rõ đại đoàn kết đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam được kiểm chứng qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. "Nước mất thì nhà tan", mỗi người dân Việt Nam luôn nhận thức, ý thức sâu sắc điều đó và tinh thần ấy luôn thường trực trong mỗi người con đất Việt. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa “Nước” và “Nhà” còn là chất keo gắn kết toàn dân tộc Việt Nam lại với nhau khăng khít và bền chặt.
Từ thực tiễn lịch sử, nhân dân Việt Nam cũng từng tổng kết, đúc rút, chỉ có không ngừng xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì mới tập hợp, phát huy được sức mạnh nội lực của đất nước, mới xây dựng, bảo vệ nước nhà được hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Chính trên nền tảng ấy mà nhân dân ta đã không cam chịu thân phận, kiếp đời nô lệ, một lòng đi theo Đảng, triệu người như một quyết vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, giành địa vị làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết trong điều kiện mới
Thực tiễn khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò trung tâm của Mặt trận Việt Minh đã góp phần quyết định vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thành quả, giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là rất rõ ràng. 76 năm nhìn lại, chúng ta càng hiểu thêm về sự kiện vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, càng thấy rõ hơn giá trị của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất.
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà và những thành tựu rực rỡ trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã chứng tỏ những giá trị lịch sử truyền thống, ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nâng niu, trân trọng, kế thừa và phát huy trong điều kiện mới.
Âm hưởng, ý nghĩa lịch sử và bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng mãi. Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại quá khứ hào hùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học quý báu vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hoàn thành thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình trong nước và thế giới đặt ra cho dân tộc ta cả thời cơ và thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, một mặt chúng ta cần kế thừa và phát huy những bài học quý báu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhất là bài học phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa phát động toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục chung sức, đồng lòng, dồn tâm, dốc sức quyết tâm vượt qua đại dịch.