(Baonghean.vn) - Nếu như trước đây, các bệnh nhân viêm tụy cấp nặng thường được chuyển tuyến trên và cơ hội sống rất mong manh, thì nay cùng với những giải pháp khác, liệu pháp “lọc máu liên tục” đã được Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh áp dụng, cứu sống nhiều người bệnh.

Giành giật với tử thần

22 giờ ngày 27/7. Tại một giường bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, bệnh nhân Lầu Chông Vừ (dân tộc Mông, đến từ huyện Kỳ Sơn) sau hơn 10 ngày chiến đấu với tử thần đã hoàn toàn tỉnh táo, trên gương mặt chưa hết mệt mỏi, xanh xao đã ánh lên những nét rạng rỡ.

Ông cố nói với chúng tôi, dù đã được vợ “cảnh báo” rằng, ông nói ít thôi mà giữ sức khỏe:  “Thú thực, tôi và cả nhà không nghĩ mình có thể sống nữa. Chuyện lo hậu sự đã được người nhà tính đến. Không ngờ, các bác sỹ và máy móc ở đây “giỏi” thật, đã cứu không chỉ tôi mà rất nhiều người qua cơn bệnh hiểm”.

Bệnh nhân Lầu Chông Vừ nhập viện Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An ngày 11/7 sau khi được chuyển lên từ tuyến huyện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Bệnh viện huyện chưa xác định được căn bệnh mà ông Vừ mắc phải. Chỉ biết, những cơn đau ở vùng bụng, xuyên ra sau lưng “như thể có vết dao đâm” khiến ông dần kiệt sức.

Khi Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận, bệnh nhân đã gần rơi vào tình trạng hôn mê, đe dọa tử vong. Lập tức, Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chụp C.T, và đưa ra kết luận bệnh nhân bị viêm tụy cấp, tình trạng hoại tử tụy nặng, áp lực ổ bụng tăng cao, gây thiếu máu các cơ quan trong ổ bụng (mức nguy hiểm cuối cùng).

images1197479_anh_44.jpgBệnh nhân Lầu Chông Vừ sau hơn 10 ngày "chiến đấu" với tử thần, sức khỏe đã tạm ổn định.

Người nhà bệnh nhân đã xác định đến 2 phương án, có thể lập tức chuyển ông ra Hà Nội với hy vọng mong manh ông có thể trụ nổi quãng đường 300 cây số, hoặc đưa về nhà để “có mất, thì cũng mất tại nhà”. Thế nhưng, quyết định cuối cùng được đưa ra là ở lại viện tỉnh vì hiện nay, Bệnh viện đã có máy lọc máu liên tục cùng đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên tay nghề khá giỏi, được tiếp cận kỹ thuật tại Bệnh viện Bạch Mai về.

Những ngày vật lộn với tử thần của ông Vừ đã bắt đầu để cuối cùng những nỗ lực của ông, của đội ngũ y bác sỹ đã chiến thắng. Ông nói trong niềm xúc động: “Những giây phút chìm đi, tôi chỉ mong được nhìn thấy ánh sáng. Và khi mở mắt ra, tôi đã luôn nhìn thấy ánh đèn buồng bệnh. Sự tận tâm của các thầy thuốc, tay nghề của họ khiến tôi khâm phục và tin tưởng”. Chúng tôi hỏi ông, giờ đây ông đã “chán” nhìn ánh đèn buồng bệnh chưa, ông cười xòa: “Đã bắt đầu chán nhìn lên trần nhà mà không biết ngày hay đêm rồi. Tôi mong về đi làm, chứ nhớ cơ quan, nhớ anh em bè bạn, nhớ nhà lắm rồi”. (Ông Lầu Chông Vừ hiện là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn).

Thêm cơ hội sống cho người bệnh

Không chỉ có ông Vừ, rất nhiều bệnh nhân vào đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đều nghĩ đây là “cánh cửa cuối cùng”, đã rất gần cái chết. Đối với bệnh nhân viêm tụy cấp nặng nề, trước đây gần như bệnh nhân thường phải chuyển tuyến Trung ương và cũng hiếm còn cơ hội sống. Cùng với các phương pháp điều trị tích cực khác, thì gần 1 năm nay, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã được trang bị máy lọc máu liên tục, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.

Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Văn Thủy - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh thì liệu pháp lọc máu liên tục là phương thức điều trị nhằm lọc ra khỏi máu các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải…một cách liên tục và chậm rãi, áp dụng cho bệnh nhân có huyết động không ổn định, có hoặc không có suy thận. Máy siêu lọc máu liên tục trước đây còn được gọi là“liệu pháp thay thế thận liên tục - CRRT” và giờ đây là “liệu pháp hỗ trợ đa tạng liên tục” đã góp phần đáng kể làm thay đổi tiên lượng của nhiều loại bệnh vốn là thách thức của nhân loại như những bệnh nhân suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim phù kháng trị, suy hô hấp trong nhược cơ hay trong hội chứng Guillain-Barre, viêm tụy cấp, đặc biệt các bệnh nhân bị ngộ độc nặng…

22 giờ đêm nhưng các y bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An vẫn rất bận rộn.

Hơn 1 năm nay, các bác sỹ, kỹ thuật viên của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã được cử đi học tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp nhận liệu pháp này, về điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện tỉnh. Mặc dù chi phí cho một ca lọc máu là khá cao nhưng đây là kỹ thuật mà bảo hiểm đồng chi trả với người bệnh. Đã có rất nhiều người bệnh được cứu sống nhờ được lọc máu, tiêu biểu gần đây như các trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc (Diễn Trung - Diễn Châu, viêm tụy cấp do sỏi mật), bệnh nhân Nguyễn Thị Cúc (Hòa Sơn, Đô Lương) viêm tụy do tăng mỡ máu, bệnh nhân Hồ Công Đức do liệt cơ Guillain-Barre, hay bệnh nhân Lầu Chông Vừ kể trên.

Điều dưỡng viên Phạm Văn Đồng thực hiện thao tác lọc máu cho bệnh nhân trên máy lọc máu liên tục.

Điều dưỡng viên Phạm Văn Đồng, người được cử đi tiếp thu kỹ thuật lọc máu và hiện đang trực tiếp vận hành máy lọc máu tại Khoa cho hay: Mặc dù phải làm việc vất vả (trực bệnh nhân lọc máu liên tục), nhưng cơ hội sống của người bệnh chính là niềm vui của người thầy thuốc.

                                                        T.V