PV:Thưa Thiếu tướng, dư luận quốc tế cho thấy tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ông Joe Biden đứng trước chồng chất khó khăn. Theo ông, ông Biden sẽ lựa chọn chương trình gì đầu tiên để giải quyết vấn đề trong nước?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Theo tôi vấn đề quan trọng và khẩn cấp nhất trước mắt ông Joe Biden là bằng mọi cách phải khống chế bằng được đại dịch Covid-19. Nếu không thanh toán được Covid thì kinh tế Mỹ tiếp tục sa sút, đất nước Mỹ càng chia rẽ. Ở đây có một vấn đề mang tính cá nhân của ông Joe mà tôi muốn nhắc đến, đó là năm 1972 bà vợ đầu và cô con gái nhỏ của ông đã tử vong trong một vụ tai nạn ô tô, đến năm 2015 cô con gái lớn lại mất vì bệnh ung thư. Theo tôi, yếu tố thảm kịch gia đình sẽ là lý do để ông mở rộng đạo luật xử lý các thảm họa của đất nước. Đó là các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội, bảo hiểm y tế…

Tổng thống đắc cử Joe Biden, vợ và các thành viên của gia đình, cùng với Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng trên sân khấu mừng chiến thắng vào tối 7/11 (sáng 8/11, giờ Việt Nam). Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Joe Biden, vợ và các thành viên của gia đình, cùng với Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng trên sân khấu mừng chiến thắng vào tối 7/11 (sáng 8/11, giờ Việt Nam). Ảnh: AP

Việc thứ hai ông Biden sẽ phải làm là củng cố lại mối đoàn kếtcủa nước Mỹ. Ông đã từng tuyên bố rằng: Hợp tác với nhau vì nước Mỹ, hợp tác để phát triển, chia rẽ là chết. Ông cũng sẽ tìm cách khắc phục khủng hoảng chính trị và sự mất lòng tin của người dân Mỹ hiện nay.

PV:Trên phương diện tổng thể, Thiếu tướng có thể đưa ra những khái quát về đường lối đối ngoại của ông Joe Biden, liệu có khác gì so với người tiền nhiệm Donald Trump?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Tôi cho rằng vấn đề đối ngoại trên phương diện toàn cầu có hai điểm khác cơ bản giữa ông Biden và ông Trump. Thứ nhất ông Biden sẽ từng bước khôi phục lại mối quan hệ giữa nước Mỹ và đồng minh, bạn bè. Trước hết là quan hệ giữa Hoa Kỳ và đồng minh châu Âu, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico… Thứ hai là ông ấy sẽ quay trở lại củng cố WTO, các định chế toàn cầu mà ông Donald Trump đã rút bỏ. Như vậy khả năng Mỹ sẽ trở lại con đường đa phương, toàn cầu hóa, góp phần củng cố vai trò, vị thế của Mỹ.

Joe Biden trong quá trình vận động tranh cử cam kết sẽ tái thương thảo lại Hiệp định TPP nếu ông trở thành Tổng thống Mỹ.

PV:Dư luận quan tâm nhất là vấn đề quan hệ Mỹ với Trung Quốc dưới thời ông Biden, Thiếu tướng có thể dự báo mối quan hệ này 4 năm tới như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng tác động toàn thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chi phối nền kinh tế toàn cầu; những căng thẳng giữa hai nước về an ninh quốc phòng, về chính trị đã tác động và làm rung chuyển toàn bộ cấu trúc và tình hình thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Joe Biden sẽ có sự điều chỉnh mang tính chiến thuật. Về nguyên tắc, xin lưu ý, những chính sách của ông Tập Cận Bình từ năm 2013 đến nay đã thách thức vai trò và vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.

Vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có nhận thức thống nhất về Trung Quốc nên mối quan hệ giữa Mỹ - Trung không bao giờ trở lại thời vàng son như trước. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Tuy nhiên chính xuất phát từ chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có nhận thức thống nhất về Trung Quốc. Sự vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm lợi ích của các quốc gia khác của Trung Quốc đã thức tỉnh giới tinh hoa Mỹ, và cũng chính Mỹ đã có thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Từ năm 2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hilary Clinton đã tuyên bố rằng, tranh chấp trên Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Sau đó, chính quyền Obama đã xoay trục quan hệ sang khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Dưới thời Donald Trump đã thông qua các văn bản, văn kiện chính thức của nhà nước, như: Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017, Chiến lược quốc phòng tháng Giêng năm 2018; Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương năm 2019… Trong các văn bản chính thức của Mỹ đều xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Đó cũng là nhận thức chung của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho nên mối quan hệ giữa Mỹ - Trung không bao giờ trở lại thời vàng son như trước. 

Ông Joe Biden (phải) và ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Los Angeles hồi năm 2012. Ảnh: Getty Images

Từ nay về sau mối quan hệ của hai cường quốc nàyvẫn là sự cạnh tranh trên các phương diện chính trị, kinh tế, ngoại giao và cả quốc phòng, an ninh. Nhưng theo tôi ông Biden sẽ chọn một phương pháp tiếp cận, các thao tác về chính sách khác với ông Donald Trump. Ông ta sẽ không đặt nặng vấn đề kinh tế nhưng cũng sẽ triển khai các chính sách đồng bộ hơn nhiều.

PV:Ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, dư luận Việt Nam cũng rất quan tâm đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian tới đây. Thiếu tướng có nhận định gì?

Việt Nam có lợi ích lớn khi thúc đẩy, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Mỹ trên các phương diện kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ngoại giao. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Muốn đánh giá mối quan hệ Việt Nam - Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden như thế nào thì về mặt khoa học chúng ta phải xuất phát từ lợi ích của Mỹỳ và Việt Nam. Việt Nam của chúng ta có lợi ích lớn khi thúc đẩy, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Mỹ trên các phương diện kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ngoại giao. Thậm chí cả về an ninh quốc phòng chúng ta cũng cần hợp tác với Mỹ. Ngược lại phía Mỹ cũng có lợi ích rất lớn khi thúc đẩy, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Việt Nam. Mỹ cần Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu của Mỹ.

Trong vấn đề này Việt Nam là một điểm sáng, là quốc gia có vai trò quan trọng trong tính toán chiến lược khu vực cũng như toàn cầu của Mỹ. Họ cũng rất cần Việt Nam - đất nước 100 triệu dân đã vượt qua 19 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong vòng 2.600 năm. Việt Nam đã khiến cho Mỹ thất bại trong chiến tranh nhờ vào bản lĩnh, sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc. Việt Nam đang không ngừng phát triển, vươn lên, ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng tới khu vực và trên thế giới nên họ rất cần Việt Nam.

Joe Biden, khi còn là Phó tổng thống Mỹ, bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C ngày 7/7/2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Khi nói đến quan hệ Việt - Mỹ dưới thời tổng thống nào chúng ta đều căn cứ vào lợi ích. Và lợi ích này của cả hai quốc gia sẽ ít thay đổi dưới thời ông Joe Biden. Mối quan hệ bang giao của hai đất nước cũng sẽ không thay đổi. Theo tôi trong 4 năm tới đây quan hệ Việt Nam - Mỹ - mối quan hệ từng được thiết lập cách đây 25 năm sẽ tiếp tục được củng cố sâu sắc và toàn diện hơn.

Chỉ có điều khác là mỗi tổng thống có một chính sách khác nhau. Ông Donald Trump có chính sách với Việt Nam khác ông Joe Biden. Điều này mang tính bề mặt chiến thuật, mang tính tình huống chứ không phải bản chất thay đổi ở tầng sâu của mối quan hệ. Những thay đổi này thường xuyên xảy ra ở các mối quan hệ đối ngoại quốc tế, khi ai đó mới lên nắm quyền. Tôi tin rằng dưới thời Tổng thống Biden, mối quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì, được củng cố làm sâu sắc thêm.

PV:Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!