Không ít loài nấm trong thiên nhiên Việt Nam rất độc, có thể gây tổn thương nặng nề, thậm chí là tử vong cho con người.
Các chuyên gia về nấm cho biết, các loại nấm độc khá đa dạng về hình dáng và màu sắc nhưng đêu chứa các độc tố. Có loại nấm chứa độc tố gây chết người (Amatina phalloides, A.verna…). Một số loại nấm ăn vào gây nhiều bệnh về tiêu hóa, gan, thận, thần kinh…, nếu ăn nhiều, không được điều trị kịp thời dễ gây tử vong. Ngoài ra, có một số nấm tiết độc tố ra môi trường sinh trưởng như đất, phân, nước… Các loại rau, củ trồng trên môi trường đó cũng sẽ bị nhiễm độc.
Nấm độc tán trắng: Nấm độc tán trắng là loại nấm cực độc ở Việt Nam. Mũ nấm có màu trắng, mặt mũ nhẵn; cuống nấm có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ; thịt nấm trắng, mềm; chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Loài nấm độc này thường mọc trên đất rừng, cũng có khi mọc ven đường, bãi cỏ vào mùa xuân đến mùa thu. Nấm độc trắng hình nón: Nấm độc trắng hình nón nhìn khá giống với nấm độc tán trắng. Loài nấm này cũng có mũ nấm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng; thịt nấm mềm, màu trắng và có mùi khó chịu; chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Chúng có độc tố chính là các amanitin (amatoxin) với độc tính cao. Nấm độc tán trắng hình trứng: Nấm độc tán trắng hình trứng có thể gây chết người nếu ăn phải. Ở loài nấm này, mũ nấm hình trứng, màu trắng; cuống nấm hình trụ tròn, phần gốc hình củ; thịt nấm màu trắng và có mùi hắc. Nấm độc tán trắng hình trứng thường mọc vào cuối xuân, đầu hè. Nấm mũ khía nâu xám: Nấm mũ khía nâu xám có mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm; cuống nấm có màu từ hơi trắng đến vàng nâu dài 3-9cm, không có vòng cuống; thịt nấm cũng có màu trắng. Loại nấm này thường mọc trên đất rừng hoặc nơi có nhiều lá cây mục nát. Nấm Entoloma sinuatum: Có mũ nấm hình nón; cuống nấm hình trụ; thịt nấm dày. Đây là loại nấm cực độc, thường mọc trên đất rừng, ven rừng vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu. Nấm độc xanh đen: Hay còn gọi là nấm lục, phiến nấm màu trắng, có khi lấp lánh màu lục. Mũ nấm đầu tiên nằm trong bao chung có dạng trứng, màu trắng. Khi trưởng thành, mũ nâng lên và phá vỡ bao chung. Trong nấm này có chứa 2 chất độc là amanitin và phalloidin, có thể gây chết người nếu dù chỉ ăn một góc của cây nấm. Nấm ô tán trắng phiến xanh: Là loại nấm có độc tính thấp, chỉ gây rối loạn tiêu hóa. Mũ nấm khi trưởng thành có hình ô hoặc trải phẳng với đường kính từ 5-15cm; thịt nấm có màu trắng; chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc. Loài nấm này thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ,... Biểu hiện ngộ độc nấm và cách sơ cứu Các thầy thuốc cho biết: Người bị ngộ độc nấm có biểu hiện sớm hoặc muộn. Biểu hiện sớm thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ và biểu hiện muộn xuất hiện sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, trung bình 12 giờ. Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm. Dấu hiệu ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn nấm 20 - 30 phút. Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt lử, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Uống than hoạt tính: Liều 1g/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.Khi có người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Tốt nhất cho nôn ra trong giờ đầu tiên, nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn. Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Khi đã được điều trị tại cơ sở y tế không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên). |
Theo Kiến thức