Đó là chia sẻ của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí khi giải đáp những câu hỏi của một số đại biểu đến dự Hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí trên toàn quốc đến năm 2025.

Trong phát biểu này, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là thông tin, tuyên truyền theo tôn chỉ mục đích. Vấn đề đặt ra quy hoạch cũng là phản ánh ý kiến của xã hội. Nhân dân thắc mắc nhiều vì thông tin báo chí trùng lặp. Các tờ báo gần như giống nhau, rất nhiều tờ giống nhau. Có một vụ tai nạn giao thông có thể có hàng trăm tờ báo đăng. Có sự kiện chỉ 1 tuần có 1.700 tin bài trên các báo. Lần này sắp xếp để các báo thực hiện đúng tôn chỉ mục đích”

Theo Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng, cũng đã có một số cơ quan chủ quản thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại cơ quan báo chí trước khi công bố đề án quy hoạch báo chí. Gần đây, Bộ Giao thông vừa sắp xếp lại các tờ báo chuyên về giao thông. Tờ báo Giao thông hiện nay, đưa tin thiên về giao thông.

Cũng theo ông Lượng, các tờ đi đúng tôn chỉ mục đích sẽ chuyên sâu, còn đưa thông tin quá sâu vào những thông tin khác, không phải thông tin lĩnh vực của tờ báo, thông tin sẽ rối loạn.

Thêm nữa, theo ông Hoàng Hữu Lượng, báo địa phương này không đưa về địa phương mình mà phản ánh tiêu cực về địa phương khác. Báo Bộ ngành này, lĩnh vực này không nói tiêu cực trong lĩnh vực của mình mà đi nói tiêu cực của ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, còn hiện tượng “dày đặc số phụ”. Ông Lượng cho biết: "Khi xin cấp phép thì các cơ quan chủ quản đưa ra tôn chỉ mục đích rõ ràng, nhưng quá trình thực hiện thì chuyển sang một hướng khác".

Một thực trạng nữa cũng phải cần quy hoạch, nhiều hội khi thành lập thì đề nghị thành lập tạp chí, khẳng định sẽ hỗ trợ kinh phí cho họ hoạt động. Chính việc hội phụ thuộc kinh tế của tờ báo thì hội là chủ quản không chỉ đạo được nội dung của tờ báo. Đấy là vấn đề mà không phải là ít. Trong luật quy định, trong thông tư cũng quy định, chủ quản phải chịu trách nhiệm đơn xin thành lập tờ báo phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho tờ báo từ trụ sở, tài chính, điều kiện hoạt động khác... Nhưng không đảm bảo, gần như chủ quản ra báo xong là buông lỏng. Có tờ báo ăn nên làm ra thì quay lại chi tiền nuôi chủ quản, thế thì chủ quản làm sao chỉ đạo được tờ báo.

Ông Hoàng Hữu Lượng cung cấp thêm, trong dự thảo Luật Báo chí sắp tới, trách nhiệm chủ quản, kể cả thành tích của cơ quan báo chí thì chủ quản được hưởng, nhưng khi có sai phạm thì cũng phải chịu chứ không chỉ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu

Trong báo cáo những nội dung cơ bản về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đã chỉ ra những bất cập của báo chí, cần phải có sự quy hoạch và sắp xếp lại.

Đối với báo điện tử, tính đến tháng 12 năm 2014, cả nước có 98 cơ quan báo chí điện tử (trong đó có 76 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 20 báo, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức khác); tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cấp phép là 1516 trang (giấy phép còn hiệu lực), trong đó Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp 943 giấy phép (có 212 giấy phép cấp cho các cơ quan báo chí, 240 giấy phép cấp cho doanh nghiệp, còn lại là cấp cho các tổ chức cơ quan nhà nước khác), Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cấp 169 giấy phép (có 09 giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước, 160 giấy phép cấp cho tổ chức tư nhân) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cấp 404 giấy phép. Ngoài ra có 420 mạng xã hội trực tuyến đăng ký hoạt động.

 Nhiều báo điện tử chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích được ghi trong giấy phép hoạt động, thực hiện sai các quy định tại giấy phép được cấp, chưa tuân thủ đúng, chặt chẽ quy trình biên tập, duyệt, phát nội dung thông tin, đặc biệt với nội dung thông tin trong mục ý kiến, bình luận của độc giả trên các báo điện tử. Một số báo điện tử có nhiều sai phạm.

Còn báo in,  số lượng báo chí in đã tăng nhanh, từ 486 cơ quan báo, tạp chí với 606 ấn phẩm năm 2001, đến nay (tính đến tháng 12 năm 2014) cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, trong đó có 199 cơ quan báo in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương) và 646 tạp chí (514 tạp chí trung ương và 132 tạp chí địa phương). Như vậy, tạp chí chiếm 76%, báo chiếm 24%, cụ thể: khối báo chí trực thuộc Trung ương có 4 báo và 21 tạp chí; khối báo chí của các đoàn thể có 35 báo đoàn thể Trung ương, 23 báo đoàn thể địa phương, 233 tạp chí đoàn thể Trung ương và 103 tạp chí đoàn thể địa phương. Hằng năm, số lượng bản báo được phát hành ở nước ta khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản báo/người/năm.

Về truyền hình, cả nước có 67 đài PTTH Trung ương và địa phương, bao gồm: 03 Đài phủ sóng toàn quốc, gồm có: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam). 64 Đài PTTH địa phương gồm 62 đài PTTH của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng thành phố Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Các đài PTTH đã cho ra đời nhiều kênh chương trình mới, đưa số lượng các kênh chương trình PTTH quảng bá tại Việt Nam là 180 kênh, với 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Có 06 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, bao gồm: Kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV TV), Kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) của Bộ Công an; Kênh Truyền hình Thông tấn (VNews) của Thông tấn xã Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội của Quốc hội, Kênh Truyền hình Quốc phòng của Bộ Quốc phòng, Kênh Truyền hình Nhân dân của Báo Nhân dân...

Theo Infonet