(Baonghean.vn) - Mùa hè thời tiết oi bức cùng với độ ẩm cao và môi trường nhiều khói bụi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da phát triển. Các bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các biểu hiện ngứa, lở loét trên da ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh. 

Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến da tiết ra nhiều mồ hôi, bụi bẩn bám vào dễ dẫn đến hiện tượng bị nhiễm khuẩn da, ngứa da… Thường gặp nhất là các viêm da do tụ cầu, liên cầu như viêm nang lông, bệnh chốc, nhọt…

Viêm da, viêm nang lông do vi khuẩn

Bệnh có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông như viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp -xe tức đã biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm hoặc viêm mô dưới da.

resize_images1897489_1.jpgThời tiết nóng bức, mồ hôi nhiều cùng bụi bẩn bít lỗ chân lông, tuyến mồ hôi hoạt động quá mức chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn cư trú tại da phát triển thành bệnh viêm da. Ảnh Internet

Để phòng ngừa cần tắm rửa sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo, đảm bảo cho làn da luôn khô và sạch sẽ. Ngoài ra bạn có thể dùng các loại thuốc sát khuẩn, chống khuẩn. 

Điều trị với các trường hợp nhẹ thường chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như dung dịch màu sát khuẩn: castellani, milian, mỡ kháng sinh như fucidin, bactroban, fusidic acid… Trường hợp nặng có thể phải dùng kháng sinh bằng đường uống như cephalosporin thế hệ I, II, oxacillin, cloxacillin…

Viêm da do vi-rut

Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển. Bệnh thường biểu hiện cấp tính, cần được khám và điều trị tại bệnh viện để xác định virus gây bệnh mà dùng thuốc chính xác.

Một số bệnh về da có nguyên nhân do virut như bệnh thủy đậu, zona (do virut Varicella zoster gây ra), bệnh herpes (virut Herpes), bệnh tay – chân – miệng... Biểu hiện của thủy đậu là các mụn nước đơn độc, lõm giữa, rải rác toàn thân. Bệnh zona thường biểu hiện là chùm mụn nước mọc trên nền da đỏ phân bố theo đường đi của các dây thần kinh ngoại biên, kèm theo đau nhức nhiều...

Điều trị thủy đậu và zona, người ta thường dùng các dung dịch thuốc màu như castellani, milian bôi tổn thương mụn nước. Có thể sử dụng kem ức chế virut như acyclovir bôi trong giai đoạn sớm. Điều trị toàn thân các bệnh da do virut có thể dùng thuốc kháng virut như acyclovir, valacyclovir, famciclovir… Có thể sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau nếu người bệnh có sốt và đau nhức nhiều.

Viêm da mủ

Bệnh thường hay gặp vào mùa hè bởi da luôn ẩm ướt ra mồ hôi nhiều dễ gây viêm nhiễm. Tùy theo từng nguyên nhân mà chúng có thể gây bệnh ở lớp nông hay lớp sâu của da.  Dựa vào vi khuẩn gây bệnh người ta phân bệnh viêm da mủ thành 2  nhóm là viêm da mủ do liên cầu và viêm da mủ do tụ cầu.

Tác nhân gây bệnh hay thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, nhưng đa số các trường hợp là có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn. Viêm da mủ thường gặp ở những người có tình trạng vệ sinh kém và nếu không được điều trị và chăm sóc tốt thì có thể lan nhanh sang các vùng da lành khác.

Đây là hiện tượng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Ảnh: Internet

Điều trị viêm da  mủ chủ yếu sẽ dùng kết hợp thuốc bôi ngoài da và thuốc uống. Với trường hợp điều trị viêm da nổi mụn nước tại chỗ, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các dung dịch sát khuẩn trong dung môi như betadin, cồn iod…

Với trường hợp điều trị viêm da mụn mủ toàn thân, phương pháp chủ yếu là dùng kháng sinh nhóm macrolid, kháng histamin, các vitamin nhóm B, C và nâng cao thể trạng cơ thể

Điều trị bệnh viêm da mủ bằng kháng sinh có hiệu quả cao, nhanh khỏi , tuy nhiên nếu dùng trong thời gian dài dễ gây ra các tác dụng phụ như kháng thuốc, dị ứng với thuốc… Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tránh tự ý mua thuốc về để chữa bệnh viêm da có mủ tại nhà khichưa có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

Rôm sảy

Rôm sảy thường thành đám, mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán..., nhiều khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. 

Các điều kiện thuận lợi làm rôm xuất hiện là nhiệt độ cao, vi khí hậu nóng ẩm, không thoáng khí, trẻ mặc quần áo bí hơi, ít tắm rửa. 

Biểu hiện là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn. Da bị viêm nên người bệnh (thường là trẻ em) có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Khi đó, càng gãi càng làm da sây sát dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. 

Da bị viêm nên người bệnh (thường là trẻ em) có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Ảnh: Internet

Cách trừ rôm sảy nhanh nhất là làm lạnh da và chống tiết mồ hôi. Nếu da của bạn được làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.

Dạng rôm sảy ở các dạng nặng hơn cần dùng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Thuốc bôi thường dùng là dung dịch Calamine làm dịu ngứa, thuốc anhydrous lanolin giúp ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng “mọc” rôm sảy mới. 

Các bài thuốc nam chữa rôm sảy hữu ích có thể dùng: các loại rau, quả có tính mát như mướp đắng, bồ công anh, sài đất, chanh... để ăn và tắm. Lưu ý khi khi sử dụng các loại lá này cần phải rửa sạch kỹ trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm. Các thức uống có tính mát như bột sắn dây, nước cam, chanh... cũng rất tốt để trừ rôm sảy.

Bệnh tuyến mồ hôi

Mồ hôi tiết ra nhiều còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. 

Điều trị viêm tuyến mồ hôi dùng kem có chất kháng khuẩn và corticoid nhẹ như fucidin H, bôi ngày 1- 2 lần.

Đối với trẻ em thì có thể tắm cho trẻ bằng các dung dịch tắm dành cho em bé như lactacid, cetaphil… mặc đồ mát, thoáng, dễ thấm mồ hôi bằng vải cotton giúp da khô thoáng.

Nấm da 

Đây là bệnh lý ngoài da rất thường gặp ở nước ta. Bệnh có biểu hiện dưới nhiều hình ảnh khác nhau. Các biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ở da, niêm mạc, tóc và móng. Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm chân, bẹn và thân.

Nấm chân thường gặp ở nam, ít gặp ở nữ. Trường hợp nặng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, sốt.

Nấm bẹn thường xuất hiện khi nắng nóng, vào mùa hè, khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt. Tổn thương thường gặp ở nếp gấp hai bên đùi. Đó là các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn. 

Tổn thương do nấm thân có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Ảnh Internet

Khi bị nhiễm nấm, người bệnh không nên dùng các thuốc trị nấm da phối hợp corticoid vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn. Đối với các vết nấm kẽ tay, kẽ chân, nấm thân, nấm móng và lang ben với diện tích nhỏ, người bệnh có thể dùng các loại kem bôi có chứa ketoconazole, miconazole, terbinafine… để điều trị. 

Ngoài ra, cần tuân theo những hướng dẫn sau đây để vừa điều trị hiệu quả, vừa phòng tránh nhiễm nấm da: Vệ sinh da sạch sẽ sau khi vận động, khi ra nhiều mồ hôi trong thời tiết nóng; Giặt giũ quần áo, giường chiếu sạch sẽ, thường xuyên để diệt trừ vi nấm gây bệnh;  Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh.

Viêm da do cơ địa

Bệnh bùng phát nhiều nhất vào mùa nắng nóng kéo dài, do độ ẩm và nhiệt độ quá cao dễ làm cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn là môi trường thuận lợi của viêm da cơ địa. Một trong những đặc tính của loại bệnh này là ngứa, càng nóng càng ngứa khi gãi mạnh, gãi không kiểm soát dễ gây lở loét, nhiễm trùng, làm cho bệnh càng nặng thêm.

Dấu hiệu viêm da cơ địa rất đa dạng, có thể chỉ đơn giản là các đám khô da mất sắc tố nhưng cũng có thể biểu hiện rất nặng như đỏ da toàn thân.

Triệu chứng điển hình của bệnh biểu hiện tùy thuộc vào từng giai đoạn. Giai đoạn cấp tính: có đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước và vảy, xung quanh bị phù nề. Giai đoạn mạn tính: biểu hiện với các đám sẩn đỏ, dày sừng, bong vảy, rối loạn sắc tố da. Ảnh: Internet

Các yếu tố kích phát viêm da cơ địa thường gặp là xà phòng, các chất tẩy rửa, nước hoa và mỹ phẩm; hóa chất như dầu mỡ hoặc dung môi; bụi bẩn, khói thuốc lá, thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp; sau khi tắm nước nóng; nhiễm khuẩn da, nhất là do tụ cầu vàng; thay đổi nhiệt độ đột ngột...

Điều trị viêm da cơ địa bao gồm: chăm sóc da; tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm nặng bệnh; dùng thuốc chống viêm.

Chăm sóc da: Sử dụng các loại kem làm mềm da, tạo độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng da như xà phòng, chất sát khuẩn, hóa chất, khói thuốc lá, rượu bia... 

Cần loại trừ những loại thức ăn làm nặng bệnh. Nếu bụi nhà là nguyên nhân gây bệnh, cần lau rửa giường, thay ga đệm hàng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà. Nên giặt sạch các quần áo mới trước khi mặc để loại bỏ chất formaldehyde và các hóa chất khác có thể gây kích ứng da còn tồn lại từ quá trình sản xuất và đóng gói. 

Ngọc Anh 

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN