(Baonghean) - Sự nghiệp sáng tác ca khúc đến với nhạc sỹ Quốc Chung như một cơ duyên, khi lần đầu tiên anh đến với nghề sáng tác bằng một ca khúc mang âm hưởng dân ca dân tộc Mông, được anh em trong đoàn chuyền tay nhau hát và tấm tắc khen. Đó là động lực đầu tiên để anh dấn thân vào nghiệp tái hiện cuộc sống bằng những nốt nhạc.
 
resize_images1806865_received_739579459544785.jpegNhạc sỹ Quốc Chung nhận giải B Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sỹ Việt Nam 2016 cho tác phẩm “Brê Lai ơi cùng Giàng ơi”. Ảnh: Internet
 
Khi anh vui mừng báo cho tôi biết ca khúc “Blê rai ơi cùng Giàng ơi” đạt giải B giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam, tôi không mấy bất ngờ, bởi từ năm đầu tiên nghe tam ca Đoàn ca múa nhạc biểu diễn ca khúc này đã thấy đây là một ca khúc vừa da diết, đắm say, vừa toát lên sự hào sảng của những chàng trai núi rừng hăng say lao động, ưa chinh phục thiên nhiên. Một ca khúc đi vào lòng người từ những nốt nhạc đầu tiên. Ca khúc chỉ lấy 3 nốt nhạc trong điệu re ré, từ đó phát triển thành tác phẩm được viết trên cung trưởng với 3 phân đoạn rất chặt chẽ về mặt kết cấu âm thanh và ca từ.
 
Nhạc sỹ Quốc Chung chia sẻ: “Ca khúc này từng đạt giải Nhất giải thưởng Hồ Xuân Hương năm 2015, và đây là ca khúc sáng tác về đề tài các dân tộc thiểu số mà tôi tâm đắc nhất. Trong một lần đi điền dã ở các huyện vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc Khơ mú sinh sống, tôi đã gặp được rất nhiều chàng trai Khơ mú, họ cho tôi thấy được niềm tin yêu cuộc đời, sự lạc quan trong những khó nhọc, vất vả và tình yêu tha thiết với người phụ nữ mà họ yêu. Ca khúc “Blê rai ơi cùng Giàng ơi” ra đời trong sự trải nghiệm đáng quý ấy”.
 
Trong dòng chảy cảm xúc được chắt lọc từ ngôn ngữ cuộc sống ấy có cả những khái quát về những vấn đề hiện thực, ấy là khi anh tái hiện và tri ân lịch sử với những ca khúc như “Hoa Truông Bồn”, “Nhớ về Đồng Lộc”, “Hồng Lĩnh linh thiêng”, được giới chuyên môn đánh giá cao và đã được trao giải khuyến khích giải thưởng Hồ Xuân Hương năm 2015. Theo anh, để có được một tác phẩm tri ân có tầm vóc chính trị, người sáng tác trước hết phải nắm được kiến thức về phương pháp, thủ pháp sáng tác, hiểu về ý nghĩa lịch sử của sự kiện…
 
Ngoài thủ pháp về nội dung, ca khúc “sống” được hay không thì trước hết phần giai điệu phải hấp dẫn. Vì thế, có những ca khúc chỉ cần một buổi thôi đã hoàn thành, nhưng cũng có những ca khúc phải viết đi, viết lại cả tháng trời. Nhiều khi chỉ một nốt nhạc được đặt trước hay sau cũng phải trăn trở cả tuần. Cũng bởi lẽ vì thường xuyên viết về mảng đề tài quê hương, dân tộc nên tác phẩm của anh đa phần đều có bố cục về nhạc lý chặt chẽ, trường đoạn âm thanh dài, nên khi hát ca khúc của anh phải là những ca sỹ được đào tạo bài bản.
 
Nghe ca sỹ Quế Thương, Thu Hà, Vũ Thắng Lợi… trình diễn, người nghe mới ngấm hết được cái đẹp và tư tưởng trong tác phẩm của anh. Mới đây nhất, khi nghe Thanh Tài - một ca sỹ trẻ có chất giọng dân ca trữ tình được đào tạo bài bản hát “Linh Thiêng Hồng Lĩnh”, người nghe như được thấu cảm những giá trị lịch sử và đương đại trên đất thiêng Lam Hồng.
 
Anh thường nói, sau khi hoàn thành xong phần hòa âm, phối khí cho một tác phẩm, điều anh tâm đắc nhất thường là phần hòa âm cho dàn nhạc dây. Vì vậy, có những ca khúc như “Hoa Truông Bồn” hay “Nhớ về Đồng Lộc”, “Linh thiêng Hồng Lĩnh” đều có thể dựng cho dàn hợp xướng. Và khi ca khúc được dàn dựng cho dàn hợp xướng thì không chỉ tầm vóc của ca khúc đó được nâng lên mà người nghe có thể cảm nhận rõ nhất “chất” Quốc Chung trong chính những đứa con tinh thần của anh. Đối với anh, trong cương vị là nhạc sỹ, đạo diễn của một đoàn nghệ thuật tỉnh thì việc tái hiện lịch sử, tri ân và thắp lên niềm tin yêu cuộc sống cho công chúng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh thiêng liêng. 
 
Thanh Nga