screenshot_47741070_1122022.pngNhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ qua đời vào lúc 9 giờ 7 phút ngày 11/2/2022.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh 15/5/1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngay từ bé, những làn điệu dân ca, ví dặm đã ngấm sâu vào trong máu thịt của Nguyễn Tài Tuệ. Năm 17 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ rời quê hương ra đi với hy vọng đi theo con đường nghệ thuật. 

Ban đầu với sự dẫn dắt của nhạc sĩ Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ trở thành một giọng nam cao tham gia trong dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ Chu Minh, Quốc Hương, La Thăng, Mai Khanh… Một thời gian sau đó, Nguyễn Tài Tuệ được cử lên công tác tại vùng Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái. Chính những năm tháng này đã đem lại cho ông vốn sống, những hiểu biết quý giá về văn hóa của bà con các dân tộc vùng cao - chất liệu quý để sau này ông đưa vào nhiều ca khúc của mình.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ và giấc 'Mơ quê'

(Baonghean.vn) - Người nhạc sỹ có vóc dáng nhỏ bé, giọng nói vẫn đậm chất Nghệ, mái tóc bạc gần hết, và một đôi mắt ấm áp nụ cười. Cách nói chậm rãi, rành mạch, giọng điệu ân cần cùng tất cả những cử chỉ lịch thiệp của ông khiến tôi bị cuốn hút một cách kỳ lạ. Ông nói về công việc sáng tác của mình, về quê hương Thanh Chương, về các ca sỹ hát nhạc ông sáng tác... Và rồi ông nói về một giấc mơ đẹp nhất trong đời mình, "cũng là giấc mơ đẹp nhất của mỗi người", đó chính là tuổi ấu thơ. Giấc mơ đó ông đã mơ suốt cả cuộc đời tha hương của mình, để rồi trong một lần, khi cảm thấy mình đã xa quê lâu quá và cần phải trở về nếu không sẽ thành kẻ "lỗi hẹn", người nhạc sỹ đã vẽ nên giấc mơ ấy bằng từng nốt nhạc và gọi tên nó là "Mơ quê".
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Ông có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó". Bên cạnh đó là nhiều ca khúc mang âm hưởng về những vùng đất, con người vùng Việt Bắc như "Lời ca gửi Noọng", "Mùa xuân gọi bạn", "Suối Mường Hum còn chảy mãi"… Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng đã thừa nhận rằng: "Tôi rất mê dân ca Việt Bắc". 

Chia sẻ về ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó", nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng cho biết, ông viết khi mới 23 tuổi và chưa một lần được đặt chân tới Cao Bằng, tới Pác Pó. "Cho tới lúc viết tôi chưa được lên Cao Bằng nhưng "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" được viết trong một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt. Tất cả tình yêu, sự kính trọng với Bác và vốn liếng tích lũy được trong những ngày sống ở rừng núi đã được tôi "huy động" khi đặt bút viết "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó", ông chia sẻ. 

Với những cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).